Dân sinh

Tp.HCM: Lên phương án quản lý các trường hợp F1 song song với các F0

Trước tình hình mới về dịch Covid-19, ngành Y tế Tp.HCM đang lên phương án quản lý đối tượng F1 khi hầu hết các F0 không triệu chứng được điều trị tại nhà.

Chiều tối 23/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Tp.HCM tổ chức họp báo cung cấp một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn trong 24 giờ qua.

Liên quan đến vấn đề về quản lý, giám sát các trường hợp F1 trên địa bàn, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM thông tin: "Hiện nay, Tp.HCM vẫn thực hiện công tác truy vết, quản lý và giám sát các trường hợp F1. Tuy nhiên, so với giai đoạn trước, hoạt động này có một số thay đổi".

Ông Nguyên Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM tại họp báo.

Do chiến lược điều trị cách ly F0 tại nhà và thực hiện giãn cách theo tinh thần Chỉ thị 16 “ai ở đâu ở yên đó” nên các F1 đa phần là chung nhà với các F0. Vì vậy, các F1 được quản lý song song với các F0.

Số còn lại là nhóm các chuyên gia nước ngoài, tổ bay… không tiếp xúc trực tiếp với F0 nhưng vẫn được thực hiện cách ly tập trung như F1.

Tính đến ngày 23/9, Tp.HCM có 19.500 người F1 cách ly tại nhà qua truy vết. Đồng thời, có 1.600 người F1 cách ly tập trung. Các trường hợp F1 phải khai báo sức khỏe hàng ngày và được theo dõi sức khỏe, quản lý chặt chẽ bởi lực lượng y tế địa phương.

Trả lời câu hỏi của báo chí về băn khoăn việc số ca mắc Covid-19 mới tại Tp.HCM vẫn ở mức cao, người dân lo lắng về lộ trình mở cửa trở lại, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Tp.HCM khẳng định: “Quan điểm, nguyên tắc của Thành phố là “an toàn mới mở cửa, mở cửa phải an toàn”. Nếu khu vực nào, địa bàn nào chưa đạt các tiêu chí an toàn thì chưa được mở cửa”.

UBND Tp.HCM đã ban hành 7 bộ tiêu chí an toàn trên các lĩnh vực. Vì thế, việc mở cửa trở lại sẽ dựa vào các bộ tiêu chí này để quyết định. Riêng bộ tiêu chí về trường học chưa được ban hành, do việc cho mở cửa lại trường học cần tính toán, kiểm soát lại một số vấn đề.

Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM cho hay, hơn 60% doanh nghiệp đã sẵn sàng công tác tự xét nghiệm đối với shipper.

Trao đổi về công tác quản lý shipper của các doanh nghiệp, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Tp.HCM cho biết, ngày 21/9, Sở này phối hợp với Sở Công Thương, Sở Y tế tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp quản lý shipper với hơn 200 điểm cầu trực tuyến.

Ngày 22/9, Sở TT&TT Tp.HCM đã tạo tài khoản cho 33/34 doanh nghiệp và tạo kênh liên lạc giữa các Sở ngành liên quan, đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật với các doanh nghiệp để đảm bảo các doanh nghiệp có thể vận hành hệ thống.

Tính đến 12h30 ngày 23/9, đã có 19/33 doanh nghiệp (hơn 60%) thực hiện đầy đủ các thao tác sử dụng phần mềm khai báo điện tử của Tp.HCM để cập nhật kết quả xét nghiệm của shipper theo hướng dẫn tập huấn, trước khi triển khai cập nhật dữ liệu chính thức vào ngày mai (24/9).

Cụ thể, 19 doanh nghiệp trên đã thực hiện thành công 3 công việc chính là: Khai báo dữ liệu kết quả xét nghiệm theo mẫu; tải dữ liệu lên hệ thống và kiểm tra, xem lại kết quả đã tải lên.

Về công tác “đi chợ hộ”, theo thông tin của Ban chỉ đạo, tổng nhu cầu đăng ký trong ngày là 48.832 lượt hộ, giảm 549 lượt hộ so với ngày hôm trước. Kết quả thực hiện, có 49.130 lượt hộ được cung ứng hàng hóa, tỷ lệ đạt 100,6% số hộ đăng ký.

Số lượng hộ đăng ký “Đi chợ hộ” giảm cho thấy Thành phố này đang dần mở cửa hoạt động trở lại hệ thống cung ứng hàng hóa thiết yếu.

Với việc ban hành bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn Tp.HCM nhằm tạo điều kiện cho người dân, tùy theo tình hình dịch bệnh trên từng địa bàn cụ thể, có nhiều lựa chọn để mua hàng hóa thiết yếu.