Sự kiện

TP.HCM lên kế hoạch tăng cường thịt gà để thay thế vì dịch tả heo châu Phi

Trước tình hình dịch tả heo châu Phi tiếp tục xuất hiện tại Bình Phước sau khi được công bố tại Đồng Nai, TP.HCM đang nhanh chóng triển khai dự trữ, chuẩn bị nguồn thịt heo sạch, thậm chí tăng cường thịt gà để đảm bảo nhu cầu của người dân.

Ngày 10/5, trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin, Giám đốc sở Công Thương TP.HCM Phạm Thành Kiên cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với các doanh nghiệp thịt heo và cả thịt gia cầm để chuẩn bị nguồn hàng nhằm bình ổn thị trường. Trong đó, khẳng định thịt heo tại TP.HCM phải truy xuất rõ nguồn gốc mới được lưu thông trên thị trường”.

Đại diện sở Công thương TP.HCM cũng cho biết, Sở đã kiểm tra việc dự trữ nguồn hàng, kế hoạch kinh doanh của các đơn vị tham gia chương trình Bình ổn thị trường với mặt hàng thịt gia súc trong thời gian tới. Theo đó, các doanh nghiệp cam kết đảm bảo cung ứng đầy đủ nguồn hàng với sản lượng mỗi ngày là 147 tấn thịt heo, 400 tấn thịt gia cầm các loại...

Tại chợ Tân Định (quận 1, TP.HCM), người dân an tâm chọn mua thịt heo có truy xuất nguồn gốc. (Ảnh: Hà Nhân).

Công ty Vissan cam kết, nếu dịch bệnh xảy ra, sẽ thu mua dự trữ 3.600 tấn trong 45 ngày; nhập khẩu thịt từ các nước. Trong khi đó, đơn vị Sargifood cũng có thể cung cấp thịt heo dưới tuổi xuất chuồng (80 - 90kg/con) và tập trung phát triển nguồn heo giống hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn.

Về phía thịt gia cầm để thay thế thịt heo thiếu hụt, công ty cổ phần Ba Huân cam kết đảm bảo đủ nguồn hàng thịt gia cầm (thịt gà), thay thế thịt gia súc khi có dịch bệnh xảy ra, và hoàn toàn có thể nâng sản lượng tiêu thụ lên 100 - 120 tấn/ngày. Còn công ty TNHH San Hà bố trí 1 kho lạnh, sức chứa 500 tấn thịt gà (dự trữ 1 tuần), chủ động thuê thêm 2 kho lạnh với sức chứa trên 1.000 tấn (dự trữ trong 12 tháng) đáp ứng sức mua của thị trường.

Cùng phối hợp trong công tác chung, ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn TP.HCM đánh giá, khả năng dịch tả heo châu Phi ảnh hưởng đến TP.HCM là rất lớn, sau khi dịch đã xuất hiện tại Đồng Nai và Bình Phước.

Những biện pháp quan trọng đang được sở NN&PTNT TP.HCM, chi cục Thú y & Chăn nuôi TP,...thực hiện, là tăng cường kiểm soát các cửa ngõ vận chuyển vào thành phố; kiểm soát về giết mổ, không để xảy ra tình trạng giết mổ trái phép;...

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM chia sẻ: “Người dân phải có ý thức hơn trong việc lựa chọn thực phẩm. Hãy chọn thực phẩm sạch từ cơ sở có uy tín, hợp pháp. Ví dụ, mua tại sạp trong chợ hoặc cửa hàng có phép, không mua hàng trôi nổi, hàng rong. Vì dù chúng ta kiểm soát giết mổ rất chặt đối với những lò hiện đại cũng như bán thủ công nhưng rải rác vẫn có những lò giết mổ lậu một vài con heo”.

“Ngoài ra, khi chế biến thịt thì cần phải nấu chín kỹ, không nên ăn các món chế biến sống như gỏi, nem vì nguy cơ nhiễm rất lớn. Đặc biệt, thời tiết tháng Tư, tháng Năm cực kỳ nóng, thực phẩm dễ hư hỏng nên có rất nhiều mầm bệnh, chứ không riêng gì bệnh tả heo châu Phi”, bà Phong Lan cho hay.