Sự kiện

TP.HCM lập tổ công tác đặc biệt điều phối bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch

Tổ công tác đặc biệt có nhiệm vụ điều phối bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch, dự kiến chỉ hoạt động trong khoảng 10 ngày.

Số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh trong những ngày gần đây và liên tục tăng ở mức 4 con số khiến cho các bệnh viện (BV) điều trị Covid-19 tại TP.HCM đang phải hoạt động hết công suất.

Theo trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ 18h30 ngày 19/7 đến 6h ngày 20/7, Thành phố ghi nhận thêm 1.519 trường hợp nhiễm mới đã được bộ Y tế công bố vào sáng 20/7.

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ 27/4 đến nay, TP.HCM có hơn 36.000 trường hợp mắc Covid-19 (Ảnh: Sở Y tế).

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ 27/4 đến nay, Thành phố có hơn 36.000 trường hợp mắc Covid-19.

Trước tình trạng đó, ngành y tế TP.HCM đã và đang nỗ lực để điều phối bệnh nhân, đặc biệt đối với các trường hợp nặng và nguy kịch.

Một trong những giải pháp đó là thành lập tổ công tác đặc biệt để điều phối chuyển người bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch lên tuyến trên kịp thời, hướng đến mục tiêu cuối cùng là ngăn chặn tử vong.

Danh sách kèm số điện thoại để các BV liên hệ với tổ công tác đặc biệt (Nguồn: Sở Y tế).

Tổ công tác này gồm 15 thành viên, trong đó Giám đốc trung tâm Cấp cứu 115 làm tổ trưởng cùng sự hỗ trợ của lãnh đạo Thanh tra và lãnh đạo phòng Nghiệp vụ Y (thuộc sở Y tế).

Một trong những nhiệm vụ chính của tổ công tác là kịp thời nắm bắt nhu cầu chuyển người bệnh của các BV dã chiến thu dung điều trị Covid-19 và các BV điều trị Covid-19.

Đồng thời, làm cầu nối giữa các BV cần chuyển và BV tiếp nhận người bệnh (các BV thu dung điều trị và các bệnh viện hồi sức Covid-19 thuộc tầng 2, 3 và 4 trong mô hình tháp 4 tầng).

Đối với những trường hợp nặng và nguy kịch do nhiễm Covid-19 rất cần có sự điều trị kịp thời ở các tuyến cao hơn (Ảnh: BV Chợ Rẫy).

Ngoài ra, tổ công tác còn được giao nhiệm vụ kiểm tra chế độ thường trực, tính sẵn sàng tiếp nhận người bệnh Covid-19 nặng để kịp thời chấn chỉnh các cơ sở chưa thực hiện tốt công tác tiếp nhận người bệnh cấp cứu (nếu có).

Song song đó, kịp thời ghi nhận, giới thiệu nhân rộng những cá nhân và tập thể có cách làm hiệu quả, thực hiện tốt công tác tiếp nhận người bệnh cấp cứu.

TP.HCM đã có quy trình tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 (F0) từ tầng 1 đến tầng 3 (Nguồn: Sở Y tế).

Trước đó, TP.HCM cũng có quy trình tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 (F0) từ tầng 1 đến tầng 3.

Tuy nhiên, trước tình hình diễn tiến phức tạp của dịch bệnh, khả năng có nhiều BN nặng và nguy kịch là hiện hữu. Vì vậy, việc thành lập tổ công tác này là rất cần thiết, nhất là trong mục tiêu ngăn chặn các ca nặng, nguy kịch tử vong.

Hiện nay, theo sở Y tế, tại TP.HCM có tổng cộng đã 38 BV (thuộc mô hình tháp 4 tầng) điều trị khác nhau và hầu hết các BV đã sử dụng gần hết công suất.

Nhiều nơi đang tiếp tục chi viện lực lượng cho các tuyến dưới để hỗ trợ khám/điều trị Covid-19 (Ảnh: BV Chợ Rẫy).

“Việc có thêm một tổ công tác làm cầu nối và hỗ trợ cho công tác chuyển viện giữa các BV được thuận lợi và nhanh chóng là một nhu cầu rất cấp thiết trong tình hình hiện nay.

Từ những yêu cầu thực tiễn này, sở Y tế đã thành lập tổ công tác đặc biệt chuyên điều phối chuyển người bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch nêu trên”, lãnh đạo sở Y tế TP.HCM cho biết. 

Lãnh đạo sở Y tế cho biết thêm: "Với số trường hợp Covid-19 đang điều trị tại các BV đã vượt qua con số 30.000 và còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, đội ngũ y, bác sĩ của tất cả BV được phân công tiếp nhận và điều trị Covid-19 thật sự đã nỗ lực hết mình cứu chữa người bệnh.

Bên cạnh số lượt người bệnh khỏi bệnh và ra viện tăng dần thì số trường hợp chuyển nặng vẫn luôn là nỗi lo của các y, bác sĩ. Các bác sĩ đều mong muốn người bệnh sớm được chuyển đến các BV có năng lực chuyên môn cao hơn để điều trị”.