Sự kiện

TP HCM: Kinh tế tăng trưởng khả quan, tích cực cải thiện môi trường đầu tư

Quyết liệt chỉ đạo cải cách hành chính, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan phải nâng cao trách nhiệm xử lý công vụ.

Kinh tế tăng trưởng khả quan

Chiều ngày 11/5, UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp về tình hình kinh tế xã hội, văn hóa, an ninh trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh trong 4 tháng đầu năm.

Theo số liệu thống kê, mặc dù chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 nhưng tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương vẫn phát triển khả quan.

Phía sở Công thương TP.HCM báo cáo, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 4 tháng đầu năm ước đạt 366.234 tỷ đồng, tăng 7,9%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp cũng ước tăng 9,7% so với cùng kỳ. Và chỉ số sản xuất công nghiệp của Thành phố trong 4 tháng đầu năm ước tăng 9,7% so với cùng kỳ.

Đây là tín hiệu tích cực của tăng trưởng kinh tế TP.HCM giữa lúc nhiều nước trên thế giới đang căng mình đối phó làn sóng lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 lần thứ 3.

Ngoài ra, bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu trong 4 tháng đầu năm cũng có mức tăng trưởng cao tăng 12 % so với cùng kỳ, cao hơn so với mức tăng chung của toàn ngành.

Cụ thể, ngành sản xuất hàng điện tử tăng 28%. Ngành hóa dược - cao su - nhựa ước tăng 2,4%. Ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống ước tăng 7,4%. Còn ngành cơ khí ước tăng 17,5%.

Giám đốc sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ báo cáo tình hình kinh tế khả quan, tăng trưởng tốt.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc sở Công thương TP.HCM nhận định: “Để suy trì sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp, chúng ta cần tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu; xây dựng và hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ của Thành phố làm động lực để phát triển các ngành công nghiệp khác”.

Ngoài ra, ngành Công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước.

Từ đó, chính quyền TP.HCM sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bằng các phương án thường xuyên tố chức, phối hợp với các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam, triển khai các chương trình tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa thông qua các kênh thương mại điện tử…

Tương tự, phía sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cũng dẫn chứng, trong 4 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 140.300 tỷ đồng, đạt 38% dự toán, tăng 16% so với cùng kỳ.

Trong đó, thu nội địa 101.493 tỷ đồng, đạt 40% dự toán, tăng 14% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 38.800 tỷ đồng, đạt 36% dự toán, tăng 19% so với cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 19.165,920 tỷ đồng, đạt 19,76% dự toán.

Cụ thể, chi đầu tư phát triển 5.811 tỷ đồng, đạt 15% dự toán HĐND TP.HCM thông qua (dự toán là 38.289 tỷ đồng); chi thường xuyên 11.591 tỷ đồng, đạt 24% dự toán (dự toán là 47.925 tỷ đồng).

Quyết liệt xử lý hồ sơ

Trước báo cáo thể hiện mức tăng trưởng tốt, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng: “Đây là niềm vui trong điều kiện chúng ta đang vừa đang phải chống dịch vừa phát triển kinh tế”.

Tuy nhiên, ông Phong cũng chỉ ra: “Mặc dù phấn khởi nhưng cũng càng thấy trách nhiệm của mình là phải làm tốt công tác chống dịch. Nếu không làm được sẽ ảnh hưởng các mục tiêu phát triển kinh tế trong thời gian tới".

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo đẩy nhanh cải cách hành chính.

Đề cập đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia, người đứng đầu chính quyền TP.HCM khẳng định là “cần tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ hơn”.

Theo đó, Thủ trưởng từng đơn vị sẽ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP.HCM về việc sụt giảm chỉ số cải thiện môi trường đầu tư.

“Từng ngành, từng địa phương phải hệ thống lại tất cả các dự án đang gặp khó khăn về đất đai, thủ tục và tập trung giải quyết theo từng nhóm. Không để những hồ sơ đã hoàn chỉnh, đóng tiền sử dụng đất nhưng vẫn còn nằm trên giấy”, ông Phong nhấn mạnh.

Để làm được việc này, các sở, ngành, quận, huyện phải chủ động trong giải quyết các nhiệm vụ được phân công.

Đơn vị phối hợp phải chủ động nghiên cứu, có ý kiến, đảm bảo thời hạn trả lời được nêu trong văn bản đề nghị.

Nếu văn bản xin ý kiến nào mà 15 ngày nhưng sở, ngành không trả lời thì xem như đồng ý. Xảy ra việc gì liên quan đến sở nào thì sở đó phải chịu trách nhiệm.

“Việc này tôi đã nói từ lâu, đến giờ phải thực hiện cho nghiêm túc. Để người dân, doanh nghiệp nhìn vào phải thấy được hiệu quả. Cán bộ chúng ta đã nói được thì phải làm được”, ông Phong chỉ đạo.