Sức khỏe

TP.HCM ghi nhận nhiều trường hợp sốc sốt xuất huyết Dengue nặng

Trong khoảng hai tuần gần đây, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM nhận liên tiếp 5 trường hợp sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, trong đó có 3 bệnh nhi sốc nặng kèm suy hô hấp.

Báo Tiền phong đưa tin, ngày 25/8, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, bệnh viện liên tục nhận bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nặng.

Theo Bệnh viện Nhi đồng 1, khoảng hai tuần gần đây, khoa Hồi sức tích cực nhận liên tiếp 5 trường hợp sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, trong đó có 3 bệnh nhi sốc nặng kèm suy hô hấp. Điển hình là bệnh nhi 12 tuổi nhập viện trong tình trạng nặng với nhiều nguy cơ đã được các bác sĩ kịp thời cứu sống.

Trước đó, bệnh nhi T.G.H. (nam, ngụ TP.HCM) sốt cao liên tục 3 ngày, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, kèm đau bụng nhiều được gia đình cho nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết sau khi được cai máy thở, ổn định về hô hấp, tim mạch. (Ảnh: BVCC).

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng trụy tim mạch nặng với mạch, huyết áp không đo được, gan to kèm cô đặc máu nhiều (dung tích huyết cầu 56%), được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue nặng ngày thứ 3 và được điều trị theo phác đồ điều trị của bộ Y tế.

Theo báo Sài Gòn giải phóng, do bé có nhiều yếu tố tiên lượng nặng như sốc nặng ngày sớm, dư cân béo phì, sốt xuất huyết (bé từng bị 1 lần cách đây 3 năm), tràn dịch đa màng nhiều nên dù được điều trị tích cực, bệnh nhi vẫn diễn tiến nặng gây suy hô hấp, tăng áp lực ổ bụng nặng, tổn thương nhiều cơ quan.

Bệnh nhi đã được các bác sĩ tích cực hồi sức sốc bằng dịch truyền, thuốc vận mạch, hỗ trợ thở máy, dẫn lưu ổ bụng để giảm áp lực ổ bụng nhằm tránh tổn thương nhiều cơ quan gia tăng, truyền máu và các chế phẩm của máu để ổn định tình trạng xuất huyết nặng.

Sau gần 4 ngày hồi sức tích cực, bệnh nhi đã ổn định tình trạng huyết động học. Sau đó bệnh nhi được cai máy thở, bé tỉnh táo, chức năng các cơ quan được phục hồi. Bé được thở oxy và chuyển lên khoa Sốt xuất huyết và sẽ xuất viện trong vài ngày tới.

Liên quan đến sự việc trên, theo VOV, Tiến sĩ - Bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo, đối với các bệnh nhi bị sốt từ 3 ngày trở lên, nhất là khi có kèm các dấu hiệu xuất huyết ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể, như chảy máu mũi, máu răng, chấm xuất huyết ở da... hoặc đau bụng, nôn ói nhiều thì phải nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết. Phụ huynh cần đưa bệnh nhi đến khám tại các cơ sở y tế để được xác định chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Do sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh, nên ngành y tế khuyến cáo cần tiêu diệt nguồn lây truyền bệnh như: diệt lăng quăng, diệt muỗi, thực hiện đậy kín dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Người dân chú ý thay nước ở các bình hoa, thả muối vào chén nước kê chân chạn, thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến....

Quốc Tiệp (t/h)