Sự kiện

TP.HCM ghi nhận 1 ca nghi nhiễm SARS-CoV-2 đến từ Hà Nam

Ngay khi nhận được thông tin về một trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2 xuất hiện trên địa bàn, chính quyền TP.HCM đang nỗ lực xử lý.

Chiều 29/4, trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) phát đi thông tin về ca nghi nhiễm SARS-CoV-2 vừa phát hiện.

Trường hợp này là nam giới, sinh năm 1993 có địa chỉ thường trú tại tỉnh Hà Nam. Người nay đang ở nhà người thân tại khu phố 2, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM. Đây là trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 sau cách ly tại tỉnh Hà Nam.

Sau khi có thông tin trường hợp này là F1 do có tiếp xúc gần với ca dương tính tại tỉnh Hà Nam, lực lượng chống  dịch Covid-19 của TP.HCM lập tức triển khai các biện pháp thần tốc.

Người này được chuyển cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm khẩn cấp. Đến chiều ngày 29/4, kết quả là nghi nhiễm SASR-CoV-2.

Theo kết quả xác minh ban đầu, ngày 22/4, trường hợp này đi ăn uống với ca dương tính tại tỉnh Hà Nam. Từ ngày 22-27/4 ở nhà tại Hà Nam.

Ngày 27/4/2021, người này đi chuyến bay số hiệu VJ133, số ghế 20B từ sân bay Nội Bài đến sân bay Tân Sơn Nhất. Sau đó đi taxi về nhà người thân tại khu phố 2, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân.

Ngày 29/4/2021, người này ra trạm Y tế phường Bình Hưng Hòa khai báo y tế sau khi biết thông tin về ca dương tính tại tỉnh Hà Nam.

HCDC đã phối hợp lực lượng y tế cơ sở để điều tra có 5 trường hợp tiếp xúc với trường hợp nghi nhiễm tại quận Bình Tân. Các trường hợp tiếp xúc đã được cách ly tập trung, lấy mẫu chờ kết quả xét nghiệm. Công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng đang được tiến hành theo quy định.

Đồng thời, HCDC đề nghị hành khách đi trên chuyến bay VJ133 khởi hành từ Hà Nội đến TP.HCM ngày 27/4 thực hiện khai báo y tế tại địa phương để được hỗ trợ và hướng dẫn phòng bệnh.

TP.HCM lập tức triển khai biện pháp mạnh để xử lý ca nghi nhiễm SASR-CoV-2 vừa phát hiện.

Trước đó, tại buổi làm việc với chính quyền TP.HCM về công tác phòng dịch Covid-19 vào sáng 28/4, Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhìn nhận: “TP.HCM có đầy đủ các yếu tố nguy cơ, cao hơn các tỉnh thành, bao gồm cả các tỉnh vùng biên”.

Lãnh đạo bộ Y tế xác định việc phòng, chống dịch Covid-19 ở TP.HCM trong bối cảnh hiện nay phải nâng cao hơn, đề nghị kích hoạt lại toàn bộ hệ thống phòng dịch, đặt trong tình trạng báo động cao, coi như đã có dịch để triển khai tất cả biện pháp phòng chống.

Bởi lẽ, TP.HCM cũng như cả nước sắp bước vào đợt nghỉ lễ 4 ngày (đợt lễ 30/4 – 1/5). Nếu có dịch thì ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế TP.HCM và cả nước.

Về công tác tầm soát, ông Long đề nghị TP.HCM nâng công suất xét nghiệm Covid-19 lên 50.000 mẫu đơn/ngày, khi đó có thể xét nghiệm 500.000 mẫu một ngày; đồng thời tập huấn lại cho các nhân viên, tổ lấy mẫu, sẵn sàng chi viện cho các tỉnh còn khó khăn.

Bên cạnh đó, TP.HCM cần chuẩn bị tình huống cách ly trên diện rộng trong thời gian ngắn; sẵn sàng điều trị số lượng ca bệnh lớn, rà soát lại trang thiết bị, máy thở, thuốc men...