Tiêu dùng & Dư luận

Tp.HCM: Dự án cầu Long Kiểng bao giờ hoàn thiện?

Dự án cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè) được phê duyệt cách đây 22 năm nhưng tới nay chỉ mới xây phần trụ.

Dự án xây dựng cầu Long Kiểng nối 2 xã Nhơn Đức và Phước Kiển được UBND Tp.HCM phê duyệt từ năm 2001.

Hơn mười năm sau, tháng 8/2018 cầu Long Kiểng mới được khởi công, thiết kế dài 318m, đường dẫn hai đầu 661m, tổng mức đầu tư 557 tỷ đồng; dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2019.

Dự án xây dựng cầu Long Kiểng hiện do Tổng công ty Cơ khí Xây dựng Thăng Long và Công ty CP cầu 7 Thăng Long thực hiện.

Sau 17 tháng thi công phần xây lắp, tháng 12/2019 nhà thầu phải tạm dừng thi công sau khi hoàn thành 7/8 trụ cầu, còn 2 trụ móng đầu cầu và trụ T7 vướng giải phóng mặt bằng không thể thi công.

Việc đi lại của người dân tại 2 xã kể trên đều thông qua cầu sắt Long Kiểng (cũ) được xây từ năm 1976 dài hơn 100m, rộng 3m hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Mặt cầu hẹp nên tình trạng tắc nghẽn xe cộ trên cầu thường xuyên xảy ra, nhất là vào khung giờ cao điểm.

Tháng 1/2019, một nhịp cầu này đã bị sập khi xe ben trọng tải lớn chạy qua. Cầu sau đó đã được sửa chữa lại để đáp ứng tạm thời nhu cầu đi lại của người dân.

"Chỉ cần không chú ý, hễ ô tô từ hai hướng cùng lúc "đấu đầu" là kẹt xe ngay lập tức. Mỗi khi nước rút, chân cầu lộ ra bêtông, sắt thép đã mục hết rồi. Mỗi lần kẹt xe trên cầu, người dân phải la làng lên vì sợ cầu sập ", ông Nguyễn Văn Hiệp (61 tuổi, sống gần cầu Long Kiểng) cho biết.

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Tp.HCM (chủ đầu tư) cho biết, nguyên nhân dự án kéo dài là do chính quyền địa phương chậm giao mặt bằng.

Ông Trần Phương Tuấn - Trưởng ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè cho biết, dự án cầu Long Kiểng tổng cộng có 128 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó đã bồi thường 25 hộ (giai đoạn 1), còn giai đoạn 2 với 103 hộ chưa xong.

Trong 103 hộ dân được bồi thường có 46 hộ thuộc diện tái định cư. Tuy nhiên, đến nay đã có 99/103 hộ dân đồng ý ký phương án đền bù, 36/46 hộ dân có nhu cầu tái định cư đã có nền đất tái định cư tại dự án khu dân cư Thanh Nhựt trên địa bàn huyện Nhà Bè.

Từ năm 2021 đến nay, huyện Nhà Bè đã rất áp lực trong công tác giải phóng mặt bằng cho cây cầu này. Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè đã trình UBND huyện tham mưu cho UBND Tp.HCM vận dụng các chính sách theo Nghị quyết 27/NQ-CP ngày 9/3/2020 của Chính phủ, hệ số K bảng giá đất năm 2022 và hệ số K theo Quyết định số 10/2021 của UBND Tp.HCM để tăng tối đa mức đơn giá đền bù.

Cụ thể, đơn giá đền bù đất ở phía xã Phước Kiển hơn 44 triệu đồng/m2, phía xã Nhơn Đức hơn 37 triệu đồng/m2. Tuy đơn, giá đền bù đang còn khoảng cách khá lớn so với giá đất thị trường nhưng nhìn chung các hộ dân đều chấp nhận.

Ông Tuấn cho biết thêm, huyện đang tiếp tục vận động 4 hộ dân còn lại, làm nhanh thủ tục chi trả tiền đền bù, quyết tâm hoàn thành đền bù và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trong quý III/2022.

Tuy nhiên, dù sao đó cũng chỉ là quyết tâm của chính quyền, chỉ khi 103 hộ dân ký nhận đủ tiền đền bù giải phóng mặt bằng và tiền hỗ trợ di dời, thì mới dám chắc hiện thực.