Dân sinh

Tp.HCM: Doanh nghiệp co kéo chăm lo thưởng Tết cho người lao động

Trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, các doanh nghiệp tại Tp.HCM đều cố gắng xoay xở tìm cách thưởng Tết cho người lao động bằng nhiều cách thức.

Doanh nghiệp xoay xở, chia sẻ với người lao động

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony cho biết, thời gian qua công ty hoạt động gần như không có lợi nhuận.

Hiện, công ty đang tính toán phương án thưởng Tết 1 tháng hoặc nửa tháng lương, tùy thuộc vào tình hình tài chính của công ty ở thời điểm trả thưởng.

Ông Phạm Văn Việt - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean thông tin: “Từ quý III đến nay, đơn hàng của công ty giảm 50% ở thị trường EU, Mỹ; mặt hàng jean cũng giảm khoảng 70 - 80%. 

Công ty liên tục tìm kiếm thị trường mới để bù đắp cho các thị trường xuất khẩu sụt giảm, đồng thời quay về thị trường nội địa để tạo việc làm cho người lao động”.

Do đó, Tết năm nay, công ty này cố gắng thưởng một tháng lương (bình quân khoảng 10 triệu đồng) cho người lao động (các năm trước là hơn 20 triệu đồng/người).

Công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam được thưởng Tết cao nhất 2,2 tháng lương.

Tại Công ty Nissei Electric Việt Nam (KCX Linh Trung I, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM), do đơn hàng sụt giảm từ 20%-30% nên công ty không tổ chức tăng ca nhưng bảo đảm không công nhân nào bị mất việc. Tết này, công ty giữ mức thưởng cho công nhân từ 1,8 - 2,2 tháng lương/người, tương đương mỗi công nhân sẽ được thưởng hơn 13 triệu đồng.

Là đơn vị có số lượng công nhân lớn nhất Tp.HCM, Công ty PouYuen Việt Nam đã công bố lương thưởng Tết 2023 với mức tăng hơn 30% so với năm 2022 và bằng với lúc chưa xuất hiện dịch bệnh Covid-19.

Mức thưởng Tết của doanh nghiệp này theo thâm niên làm việc, người thấp nhất làm việc chưa đủ 1 năm, được tính theo tỉ lệ số tháng làm việc thực tế, người có thâm niên từ đủ 12 năm trở lên, được thưởng 2,2 tháng lương.

Theo đại diện Công ty PouYuen Việt Nam, việc tăng thưởng Tết so với 2 năm trước là để chia sẻ khó khăn với người lao động khi giảm đơn hàng ở một số bộ phận những tháng cuối năm, khiến công nhân thiếu việc.

Đảm bảm quyền lợi cho người lao động

Liên quan đến vấn đề lương, thưởng Tết, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Tp.HCM cho biết, Sở đã gửi công văn đến các doanh nghiệp trên địa bàn Tp.HCM yêu cầu trước ngày 25/12, doanh nghiệp phải gửi thông tin về Sở những nội dung liên quan đến lương, thưởng trong dịp Tết dương lịch và Tết nguyên đán năm 2023, các khoản trợ cấp, hỗ trợ cho người lao động (tặng quà Tết, hỗ trợ vé tàu, xe về quê ăn Tết...), thời gian nghỉ Tết, nghỉ phép năm, thời điểm trả lương, thưởng cho người lao động.

Thời gian tới, Sở sẽ thành lập 2-3 đội liên ngành để khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp để tìm hiểu tình hình hoạt động sản xuất, quan hệ lao động và chế độ chi trả lương, thưởng Tết cho người lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao và một số doanh nghiệp trên địa bàn 21 quận, huyện và Tp.Thủ Đức.

"Đến thời điểm này đã có hơn 300 doanh nghiệp gửi báo cáo về kế hoạch lương thưởng Tết cho Sở. Trên cơ sở các báo cáo của doanh nghiệp, Sở sẽ tổng hợp và báo cáo UBND Tp.HCM", ông Lâm cho biết.

Lãnh đạo Sở LĐ,TB&XH Tp.HCM nhận định, với tình hình khó khăn như hiện nay và với nhu cầu coi nguồn lao động là vốn quý của doanh nghiệp thì hiện nay các doanh nghiệp đều đang cố gắng thu xếp các khoản kinh phí cần thiết để bố trí có lương, thưởng Tết nhằm giữ chân người lao động, để khi sản xuất phục hồi, lực lượng sản xuất có thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của họ.

Các cơ quan chức năng về lao động tại Tp.HCM đang nỗ lực, huy động các nguồn lực để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Từ tình hình khó khăn của doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động Tp.HCM dự báo Tết năm nay sẽ có những doanh nghiệp không có tiền thưởng Tết, lương tháng 13. 

Vì thế, Liên đoàn Lao động Tp.HCM đang tập trung chỉ đạo các cấp Công đoàn, nhất là Công đoàn cơ sở đẩy mạnh thương lượng, đối thoại với doanh nghiệp nhằm đảm bảo việc điều chỉnh các phương án sản xuất của doanh nghiệp phù hợp với quy định pháp luật và đúng cam kết về quyền lợi cho người lao động.

Các cấp Công đoàn phải ưu tiên chăm lo, hỗ trợ tới các đối tượng yếu thế như: người lao động bị tai nạn lao động, bị bệnh hiểm nghèo đang điều trị, lao động nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi… Hỗ trợ người lao động thụ hưởng các chính sách về bảo hiểm xã hội.

Về kế hoạch chăm lo Tết Quý Mão, ông Trần Đoàn Trung, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động Tp.HCM cho biết, dự trù kinh phí chăm lo Tết cho đoàn viên Công đoàn, người lao động thành phố vào khoảng 140 tỷ đồng. Trong đó, cấp thành phố sẽ dự chi khoảng 110 tỷ đồng, công đoàn cấp trên dự chi khoảng 25-28 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công đoàn lao động còn nhận được sự chăm lo trực tiếp từ Công đoàn cơ sở và các đơn vị, doanh nghiệp, đoàn thể khác.