Sức khỏe

TP.HCM: Cần bình tĩnh khi test nhanh phát hiện số ca dương tính SARS-CoV-2 tăng cao

Lý giải về số lượng ca nhiễm Covid-19 được nghi nhận tăng cao trong 24h qua, ngành y tế TP.HCM khuyến cáo người dân bình tĩnh, tuân thủ quy định phòng chống dịch.

Tại họp báo của UBND TP.HCM về phòng chống Covid-19 diễn ra vào chiều tối 4/9, đã có câu hỏi đặt ra về việc ghi nhận hơn 8.000 ca nhiễm Covid-19 trong ngày 3/9 vừa qua, tức là cao hơn gấp khoảng 1,5 lần so với những ngày trước đó.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hồ Chí Minh (HCDC) chỉ ra: “Việc này xuất phát từ lấy mẫu xét nghiệm diện rộng. Ngành y tế khẳng định rằng con số này không đột biến. Cho nên người dân cần bình tĩnh, không nên lo lắng, sợ hãi”.

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, cần phải qua xét nghiệm RT-PCR để xác định một trường hợp là F0, là bệnh nhân chính thức. Khi xét nghiệm RT-PCR cho ra kết quả dương tính mới khẳng định cá nhân đó bị nhiễm SARS-CoV-2 và bộ Y tế mới đưa vào danh sách công bố.

Sau khi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 bằng test nhanh, các trường hợp nghi nhiễm cần được làm xét nghiệm RT-PCR để khẳng định.

Do tình hình dịch bệnh đặc biệt tại TP.HCM, ngoài phương pháp lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR, bộ Y tế cho phép thành phố tăng cường và ưu tiên test nhanh nhằm bóc tách F0 nhanh nhất và sớm tiếp cận những người có khả năng mắc bệnh để có biện pháp chăm sóc hoặc thậm chí hỗ trợ chuyển viện kịp thời với mục đích chăm sóc tốt F0, hạn chế tỷ lệ tử vong.

“Phương pháp test nhanh dù có tính chính xác cao nhưng không bằng xét nghiệm RT-PCR. Người test nhanh dương tính chỉ là nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2, chưa thể khẳng định là bệnh nhân theo tiêu chí công bố của bộ Y tế”, ông Tâm nói.

Sau khi phát hiện nhiều ca dương tính qua test nhanh, ngành y tế địa phương đã làm lại xét nghiệm RT-PCR cho nhóm đối tượng này. Do đó, số ca mắc mới tại TP.HCM được bộ Y tế công bố có sự gia tăng. Trong số 8.510 mẫu xét nghiệm ngày 3/9 có 5.785 mẫu là test nhanh dương tính và được làm lại RT-PCR.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp sau khi test nhanh dương tính thì được đưa vào khu cách ly. Khi hết thời gian cách ly, họ được làm lại xét nghiệm PCR trước khi về nhà. Đây cũng là một trong những lý do số ca xét nghiệm RT-PCR tăng lên.

Theo hướng dẫn của bộ Y tế, các trường hợp F0 sau khi điều trị từ 7 đến 10 ngày và có chỉ số CT>=30 (tải lượng virus thấp) có thể tiếp tục về cách ly, điều trị tại nhà.

Cũng tại họp báo, một vấn đề khác được thảo luận là nhiều người đã tiêm mũi 1 là vắc-xin Moderna và đến nay đã đến thời hạn tiêm mũi 2 theo khuyến cáo của ngành y tế nhưng vẫn chưa được tiêm chủng.

Ông Tâm cho biết, việc điều phối vắc-xin thuộc thẩm quyền của bộ Y tế cấp, ngành y tế TP.HCM và HCDC là đơn vị tiếp nhận rồi chia về các quận, huyện, TP.Thủ Đức.

Hiện tại, do vẫn chưa nhận được vắc-xin Moderna để tiêm mũi 2 cho các đối tượng đã tiêm mũi 1 nên ngành y tế TP.HCM đang tính toán giải pháp thay thế sao cho phù hợp với nguyên tắc về khoa học và chuyên môn.

Tính từ 18h ngày 2/9 đến 18h ngày 3/9, hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.499 bệnh nhân Covid-19 mới tại TP.HCM. Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 241.084 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 được công bố.

Báo cáo ngày 4/9 thể hiện, TP.HCM đang điều trị 41.470 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, 2.915 bệnh nhân Covid-19 là trẻ em dưới 16 tuổi, 2.779 bệnh nhân nặng đang thở máy và 20 bệnh nhân cần can thiệp ECMO.

Trong ngày 3/9, TP.HCM ghi nhận 2.266 bệnh nhân mắc Covid-19 được điều trị khỏi, xuất viện. Số bệnh nhân Covid-19 tử vong giảm xuống dưới 300 ca/ngày trong 2 ngày liên tiếp.

Địa phương sẽ tiếp tục nâng cao năng lực của chiến lược điều trị F0 tại nhà, thực hiện bằng nguồn lực của 411 trạm y tế lưu động, 312 trạm y tế phường, xã, thị trấn.