Dân sinh

TP.HCM cấm ra đường sau 18h: Xử lý nghiêm trường hợp vi phạm

TP.HCM sẽ xử lý nghiêm trường hợp ra đường sau 18h, kể từ 26/7 đến 1/8. Trong khi đó, ban ngày, người dân cũng phải rất hạn chế.

Trong thời gian từ 18h đến 6h sáng hôm sau, chỉ có một số ít lực lượng được ra ngoài, gồm: cấp cứu, lương lực lượng làm công tác phòng chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu điều phối để phòng chống dịch bệnh của cơ quan chức năng/chính quyền địa phương.

Nhóm được ra ngoài sau 18h tại TP.HCM (Ảnh: HCDC).

Thứ hai là cán bộ PV, biên tập viên các cơ quan báo/đài thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn TP.HCM, bao gồm cả công tác phát hành báo.

Thứ ba là lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị, xử lý sự cố về: điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật.

Hầu hết đường phố tại TP.HCM sau 18h vắng tanh, chỉ có lực lượng CSGT làm nhiệm vụ (Ảnh: HCDC).

Thứ tư là các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ, phòng chống dịch, phương tiện đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện “1 cung đường - 2 điểm đến”, phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu và các cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở 12 cửa ngõ chính của Thành phố này được phép hoạt động.

Một số người vẫn ra ngoài (ảnh: HCDC).

Dù vậy, tại một số điểm chốt, vẫn còn đó tình trạng người dân ra đường sau 18h không thuộc các nhóm đối tượng trên và bị xử phạt.

Về diễn tiến dịch bệnh trên địa bàn, HCDC cho biết: "Tính từ 18h30 ngày 26/7 đến 6h ngày 27/7, Thành phố ghi nhận thêm 1.849 trường hợp nhiễm mới đã được bộ Y tế công bố vào sáng 27/7. Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ 27/4 đến nay, Thành phố này đã có hơn 68.200 trường hợp mắc Covid-19".

Nhiều người chỉ bị nhắc nhở, quay đầu (Ảnh: HCDC).

Để hạn chế người dân đi ra ngoài, các địa phương trên địa bàn TP.HCM đang triển khai việc phát phiếu đi chợ theo hộ gia đình, theo ngày chẵn - lẻ, chia khung giờ đi mua lương thực, thực phẩm thiết yếu để giảm thiểu tối đa mật độ tiếp xúc giữa người với người.

Bên cạnh đó, Thành phố này đã có hướng dẫn đối với dịch vụ vận chuyển (chỉ hàng hoá thiết yếu) bằng xe mô tô 2 bánh sử dụng công nghệ kết nối với khách hàng (dịch vụ shipper).

Tuy nhiên, một số trường hợp bị xử phạt vì vẫn cố tình ra ngoài (ảnh: HCDC).

Theo đó, các đơn vị cần rà soát và điều chỉnh giảm 10% số lượng shipper và triển khai ngay việc làm bảng tên thẻ cứng theo quy định và tích hợp mã QR để nhận diện.

Mỗi shipper chỉ được hoạt động trên địa bàn một quận, huyện, TP.Thủ Đức theo phân công của đơn vị. Riêng các đơn vị dịch vụ giao hàng không sử dụng công nghệ sẽ tập hợp danh sách shipper gửi sở Công thương xác nhận.

Thành phố này sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tạm giữ hành chính trong trường hợp chống đối người thi hành công vụ.

TP.HCM mong muốn nhận được sự hợp tác, đồng hành của người dân trong việc tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch (Ảnh: HCDC).

HCDC cho biết: "TP.HCM đã trải qua hơn 55 ngày thực hiện giãn cách, từ Chỉ thị 15 đến Chỉ thị 10, Chỉ thị 16 và vẫn đang tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp tăng cường, siết chặt để nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh, nhanh chóng tách F0 ra khỏi cộng đồng và hạn chế tối đa trường hợp tử vong.

Thành phố mong muốn nhận được sự hợp tác, đồng hành của người dân trong việc tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo giãn cách giữa người với người, giữa gia đình với gia đình, tổ dân phố với tổ dân phố... hạn chế nhiều hơn nữa sự giao lưu, gặp gỡ giữa người với người".