Sự kiện

TP.HCM: BOT An Sương – An Lạc có thể điều chỉnh thời hạn thu phí

Trước những nghi vấn về sự thiếu minh bạch trong hoạt động thu phí của BOT An Sương – An Lạc (quận Bình Tân, TP.HCM), sở GTVT TP.HCM đã có văn bản giải trình với các cấp lãnh đạo thành phố.

Sáng 27/1, đại diện văn phòng sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết, đơn vị này vừa có văn bản gửi ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, sở Thông tin - Truyền thông TP. cùng UBND quận Bình Tân.

BOT An Sương - An Lạc từng xảy ra hiện tượng bị gây rối, ùn tắc dẫn đến phải xả trạm vào tháng 12/2018. (Ảnh: Hà Nhân).

Văn bản báo cáo của sở GTVT được thực hiện sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM và ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. liên quan đến dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc (quận Bình Tân, TP HCM).

Báo cáo của sở GTVT TP. nêu, dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2000 theo hình thức BOT.

Dự án có quy mô chiều dài toàn tuyến là 13.681m, mặt cắt ngang 36,2m (gồm 6 làn xe cơ giới rộng 3,5m, 2 làn xe thô sơ rộng 2,8m, dải phân cách 1,6m, vỉa hè 4m/bên) với tổng mức đầu tư hơn 831,6 tỷ đồng.

Dự án hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối năm 2004, bắt đầu thu phí hoàn vốn qua trạm BOT An Sương - An Lạc (trạm chính) và 5 trạm phụ từ ngày 2/1/2005, với thời gian thu phí 145 tháng.

Đến năm 2010, dự án này được bộ GTVT chuyển giao cho UBND TP.HCM quản lý. Theo sở GTVT TP., tháng 12/2010, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đầu tư bổ sung 2 cầu vượt tại nút giao Tỉnh lộ 10 - Quốc lộ 1 và Tỉnh lộ 10B - Quốc lộ 1 vào dự án BOT An Sương - An Lạc.

Sau đó, năm 2017, UBND TP.HCM quyết định theo thẩm quyền việc điều chỉnh, bổ sung hạng mục công trình cầu vượt tại nút giao Hương lộ 2 - Tây Lân - Quốc lộ 1 và nút giao Lê Trọng Tấn - Nguyễn Thị Tú - Quốc lộ 1 (Gò Mây) vào dự án BOT An Sương - An Lạc khi được Chính phủ chấp thuận. Vì vậy, việc bổ sung các hạng mục công trình vào dự án là đầy đủ tính pháp lý.

Vào tháng 12/2018 cũng như vài ngày gần đây, một số ý kiến cho rằng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc đã hết thời hạn thu phí từ tháng 1/2017.

Thời gian thu phí của BOT An Sương - An Lạc có thể được điều chỉnh sau khi có kết luận của Kiểm toán Nhà nước. (Ảnh: Hà Nhân).

Trước điều này, sở GTVT TP.HCM khẳng định ý kiến trên chưa chính xác. Lý do là trong kết luận thanh tra về hợp đồng dự án BOT An Sương - An Lạc đã ghi nhận thời gian thu phí theo hợp đồng ký với bộ GTVT là 145 tháng, kèm theo là phụ lục hợp đồng ký với UBND TP.HCM từ năm 2010 khẳng định thời hạn thu phí đến hết tháng 1/2033.

Sở GTVT TP. còn khẳng định, nhiều người cho rằng xe không đi trên cầu vượt nên không phải trả tiền cũng chưa chính xác. Việc đầu tư, quản lý, khai thác các cầu vượt bổ sung gắn liền trong tổng thể của dự án BOT An Sương - An Lạc với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông.

Khi xây dựng xong cầu vượt thì không còn tình trạng ùn tắc giao thông tại các nút giao, các phương tiện lưu thông được thuận lợi, an toàn, thông suốt qua nút giao. Đó là hiệu quả xây dựng cầu vượt mang lại cho các phương tiện lưu thông qua nút giao nên cần phải trả phí dù đi trên cầu vượt hay đi dưới mặt đường bên cạnh cầu.

Ngoài ra, trước phản ánh cho rằng việc thu phí đến năm 2033 là quá lâu, sở GTVT TP.HCM khẳng định, thời gian thu phí được xác định trong phương án tài chính kèm theo hợp đồng, tính toán dựa trên nhiều thông số như chi phí đầu tư, doanh thu thu phí, lãi vay, chi phí bảo trì…

Thời gian thu phí được kiểm toán và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận dựa trên giá trị quyết toán công trình và doanh thu thu phí thực tế, lãi vay, chi phí bảo trì công trình,…

Tuy nhiên, trong năm 2019, BOT An Sương – An Lạc sẽ làm việc với Kiểm toán Nhà nước để thanh tra, kiểm tra lại toàn diện. Từ đó, giá trị quyết toán sẽ được điều chỉnh theo kết luận để tính toán, xác định lại thời gian thu phí phù hợp.