Giải trí

Top trang phục dân tộc giúp Hoàng Thuỳ tạo khác biệt tại Hoa hậu Hoàn vũ 2019

H’Hen Niê đã gây ấn tượng mạnh với Trang phục dân tộc Bánh Mì tại Hoa hậu Hoàn vũ 2018. Năm nay, Hoàng Thuỳ chắc chắn cũng sẽ nhận được sự chú ý của truyền thông quốc tế khi cuộc thi “Tuyển chọn trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại Miss Universe 2019” đã thu hút đến 200 bài dự thi.

Trong vài năm trở lại đây, phần thi Trang phục dân tộc của các thí sinh Việt Nam tại Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của truyền thông quốc tế. Việc Nàng Mây, Hồn Việt và Bánh Mì luôn có mặt trong top Trang phục dân tộc đẹp nhất, nhận được sự quan tâm đặc biệt của truyền thông thế giới là sự minh chứng hùng hồn cho việc quảng bá văn hoá Việt qua phần thi quan trọng này.

Ban tổ chức tiết lộ, các thí sinh năm nay có sự phá cách và sáng tạo hơn hẳn các năm trước. Đặc biệt, phần lớn các bài dự thi đều chú trọng đến yếu tố độc đáo và kỹ năng trình diễn trên sân khấu, tạo sự bất ngờ cho khán giả mà không còn đơn thuần là một bộ trang phục đẹp như trước.

Hoàng Thuỳ là đại diện của Việt Nam tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2019.

Với 200 bài dự thi, công chúng kỳ vọng, ban tổ chức sẽ chọn ra mẫu trang phục xứng đáng để Hoàng Thuỳ có thể quảng bá tinh thần và vẻ đẹp Việt trong thời đại mới.

Dưới đây là Top 10 bộ cánh có thể giúp Hoàng Thuỳ ghi điểm tại phần thi Trang phục dân tộc.

NC598: “HỒN VIỆT” – HUỲNH HỮU QUÝ

Con rồng cháu tiên là huyền thoại về nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Tác phẩm “Hồn Việt” ra đời đủ cả chân, thiện, mỹ, cũng chính là nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Họa tiết rồng-phụng toát lên vẻ quyền lực, sức mạnh làm chủ thiên nhiên. Chất liệu thướt tha càng làm tôn thêm nét đẹp gợi cảm, quyến rũ, kiêu sa nhưng không kém phần quyền lực, uy nghi. “Hồn Việt” chứa đựng sức mạnh của Con rồng cháu tiên mang đến vinh quang cho dân tộc Việt Nam.

NC631: “DỆT MỘNG” – ĐẶNG THẾ ANH

Mẫu thiết kế lấy cảm hứng từ nghề dệt vải của Việt Nam từ xưa đến nay. Thiết kế muốn gửi đến người xem hình ảnh nghề dệt của Việt Nam thông qua hình ảnh guồng quay tơ, những dải tơ sắp xếp đan xen vào nhau. Qua thiết kế này, tác giả muốn truyền tải thông điệp: Người phụ nữ Việt Nam bị đè nặng bởi “công-dung-ngôn-hạnh” và lễ giáo. Mong muốn phụ nữ hãy mạnh mẽ, tự tin, thay đổi hoàn thiện bản thân để hiện đại và cá tính hơn.

NC668: “QUỐC SẮC THIÊN HƯƠNG” – LÊ THỊ DIỄM TRANG

Áo dài là quốc phục biểu tượng của dân tộc, là nét đẹp linh hồn, bản sắc và gắn với nét đẹp đằm thắm, dịu dàng của người phụ nữ Việt. Hoa sen được mệnh danh là quốc hoa của Việt Nam, mang trong mình vẻ thanh tao, thuần khiết, tràn đầy sức sống; là loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp hình thể và tâm hồn của người phụ nữ. Kết hợp nét đẹp của quốc phục và quốc hoa, bộ trang phục muốn tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

NC658: “ÂM VANG ĐẠI VIỆT” – NGUYỄN MINH VŨ

Trống đồng Đông Sơn là loại trống tiêu biểu cho văn hóa Đông Sơn của người Việt cổ, thể hiện trình độ cao về kỹ năng và nghệ thuật, đặc biệt là hoa văn phong phú được khắc họa, miêu tả chân thật sinh hoạt của con người thời kỳ dựng nước. Thiết kế lấy ý tưởng từ hình ảnh trống đồng Đông Sơn và hình ảnh ruộng bậc thang gắn liền với cuộc sống người dân Việt, mô tả hình ảnh của chiến binh Âu Lạc với sự mạnh mẽ, quyền lực và không kém phần quyến rũ. Qua đó, thể hiện tinh hoa nước Việt từ ngàn đời nay.

NC678: “PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG” - TRẦN THANH AN

Lấy cảm hứng từ hình tượng Phù Đổng Thiên Vương – Gióng trong truyện Thánh Gióng. Hình tượng Thánh Gióng mang trong mình cả thiên nhiên và con người, sự hiện đại lẫn thô sơ, sức mạnh đó như dung hòa và kết tinh lại cùng lòng yêu nước bất khuất tạo thành sức mạnh to lớn đủ sức quật ngã mọi kẻ thù to lớn. Hoa hậu mang hình tượng Phù Đổng Thiên Vương sẽ cho mọi người thấy đất nước Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng vô cùng mạnh mẽ kiêu hãnh.

NC694: “HOA SEN” – VŨ HƯƠNG GIANG

Nụ cười như thể hoa ngâu

Cái khăn đội đầu như thể hoa sen

“Hoa sen” là bộ trang phục lấy ý tưởng từ hình tượng quốc hoa của dân tộc để khai thác vẻ đẹp của người con gái Việt Nam: Trong sáng, bình dị, đức hạnh… Những yếu tố dân tộc được thể hiện qua những chi tiết: Nón đội đầu, mấn, cổ và yếm áo dài, hoa sen.

NC713: "CHUNG MỘT MÁI NHÀ" - TÂM NGUYỄN

Thiết kế này cũng được truyền cảm hứng bởi dân tộc thiểu số. Hoa văn, đính cườm, đính trang sức kim loại đều được dựa trên trang phục truyền thống vùng núi Tây Bắc. Khăn đóng thường đi đôi với áo dài nhưng được cách điệu với các chi tiết như bính tóc quấn quanh, dây lụa hai bên và lông thú. Mục đích trộn lẫn các chi tiết đặt trưng của nhiều dân tộc thể hiện sự đoàn kết. Dân tộc nào, dù đông hay thưa, cũng đáng được tôn trọng và đề cao.

Đặc biệt nhất, sau lưng sẽ được đeo gùi đựng cành hoa mai và đào khổ lớn. Cành cây sẽ được làm từ nhôm sơn vàng đồng có thể tháo ráp được. Hoa mai và đào có thể được làm từ nhựa đính cườm. Đèn led vàng với dây kim loại mỏng sẽ được quấn quanh thân cây để tạo hiệu ứng sân khấu. Hai loại hoa này tượng trưng cho ngày lễ Tết cực kì quan trọng trong văn hóa Việt, cũng đồng thời đại diện cho cả hai miền bắc nam.

NC619: "PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG" - HỒ TẤN TÀI

Cảm hứng từ hình tượng ngựa sắt đầy oai dũng trong truyền thuyết Thánh Gióng của Việt Nam, bộ trang phục là sự kết hợp giữa kết cấu ngựa sắt và phom dáng áo chiến binh tạo nên sự mạnh mẽ, ấn tượng.

Điểm đặc biệt nằm ở việc thiết kế để các bộ phận của ngựa có thể chuyển động và dễ tháo lắp trong quá trình di chuyển".

C605: "SEN TẮM NGUYỆT QUANG" - NGUYỄN VĂN TRUNG

Với hình ảnh Sen được soi sáng dưới ánh trăng vàng, tạo nên một tổng thể màu sắc lung linh, tựa như từng cánh hoa sen đang tắm dưới ánh trăng vàng. Một chút biến tấu hình ảnh trăng thành trống đồng – mang đậm tính dân tộc và thành quả là một bộ Trang phục dân tộc mang tên “Sen tắm nguyệt quang”

NC712: "MUÔN MÀU DÂN TỘC VIỆT" - TÂM NGUYỄN

Thiết kế được lấy cảm hứng từ trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Họ đều là những người con Việt nhưng sự hiện diện trên các phương tiện truyền thông lại không nhiều.

Phần áo và váy xòe được lấy từ trang phục của người Mường, H’Mông,… Chi tiết như cách cài áo, cổ áo và hai vạt áo được lấy từ áo dài kinh điển nhằm thể hiện sự hòa quyện của nhiều nền văn hóa. Hoa văn thêu cũng được cắt ghép từ người. Ngoài ra, chi tiết từ tranh Đông Hồ cũng được in nhiều chỗ như trên áo và hai tà trước sau.