Kinh tế vĩ mô

Tổng thu ngân sách từ thuế tăng 12,5% trong tháng 5

Tính riêng tháng 5/2022, tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý ước đạt 99.100 tỷ đồng, hoàn thành 8,4% so với dự toán cả năm.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thuế, tính riêng tháng 5, số tiền thu từ thuế nộp vào ngân sách Nhà nước đã đạt khoảng 99.100 tỷ đồng, tương đương 8,4% so với dự toán và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Đây là tháng thứ 5 liên tiếp số thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với tháng 4, số thu thuế giảm 39.100 tỷ đồng.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 672.878 tỷ đồng, bằng 57,3% so với dự toán pháp lệnh và tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng cục Thuế cho biết có được kết quả trên là do kinh tế những tháng đầu năm tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tình hình dịch bệnh trên cả nước tiếp tục được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã và đang phát huy tác dụng, kích thích các doanh nghiệp tăng tốc trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Số nghiệp gia nhập và quay trở lại hoạt động trong trong 4 tháng đầu năm 2022 tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước (bình quân mỗi tháng có 20.100 nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động).

Bên cạnh đó, do cầu tiêu dùng trong nước trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 tăng khá đã tạo đà cho nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì nhịp tăng trưởng trong những tháng đầu năm 2022. Một nguyên nhân khác đó là giá dầu thế giới vẫn đang duy trì ở mức cao, hiện giá dầu Brent đang giao động trong khoảng 107-110 USD/thùng đã có những tác động tích cực đến thu từ dầu thô trong 5 tháng đầu năm 2022.

So với dự toán có 16/19 khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 45%), đáng chú ý các khoản thu từ khu vực sản xuất, kinh doanh (khu vực đóng góp lớn nhất trong tổng thu nội địa) đạt mức tăng trưởng khá bằng 54,7% so với dự toán, tăng 11,5% so với cùng kỳ.

Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 50,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 50,6%; khu vực và dịch vụ ngoài quốc doanh ước đạt 60,4%. Toàn ngành có 44/63 địa phương có mức tăng trưởng khá đạt trên 50%.

Ngoài ra, số tăng thu ngân sách từ thuế còn được đóng góp nhờ công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế.

Liên quan tới các khoản thuế năm nay, mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 34/2022 về gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022.

Theo nghị định mới, toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên sẽ được gia hạn thời gian nộp thuế đến cuối năm. Ước tính, tổng số tiền thuế và thuê đất được gia hạn từ chính sách này vào khoảng 122.000-125.000 tỷ đồng. Đây là lần thứ 4 Chính phủ nới thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, người dân phục hồi sau dịch.

Tiền thu từ thuế được dự báo tiếp tục tăng trong các tháng tiếp theo, đặc biệt là giai đoạn cuối năm khi các chính sách gia hạn thuế và tiền thuê đất hết hiệu lực.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, bên cạnh những yếu tố tích cực thì công tác thu ngân sách được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Đáng chú ý, xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài khiến giá dầu và các mặt hàng hóa khác tăng cao.

Trong nước, việc tiếp tục thực hiện các giải pháp, giãn giảm, thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến số thu ngân sách. Một số ngành bắt đầu có xu hướng giảm tốc như: chứng khoán, bất động sản…

Do đó để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo yêu cầu cơ quan thuế rà soát lại toàn bộ nguồn thu trên địa bàn để tổ chức giao nhiệm vụ thu hàng tháng, hàng quý cho từng đơn vị quản lý thu sát với thực tế phát sinh.