Thế giới

Tổng thống Zelenskyy nêu “ưu tiên số 1” trong ngân sách Ukraine

Đây là ngân sách của một quốc gia đang trong cuộc xung đột khốc liệt với Nga và các chi phí không quan trọng phải được giảm thiểu tối đa.

Tổng thống Volodymyr Zelenskyy hôm 7/9 cho biết ngân sách năm tới của Ukraine sẽ dành hơn 1.000 tỷ hryvnias (27,4 tỷ USD) cho chi tiêu quốc phòng và an ninh vì đất nước hiện đang trong thời chiến.

Trong bài phát biểu video hàng đêm hôm 7/9, nhà lãnh đạo Ukraine cũng cho biết các nghĩa vụ xã hội như lương hưu phải được trang trải đầy đủ, trong khi các chi phí không quan trọng phải được giảm thiểu tối đa.

Ông Zelenskyy cho biết, trước đó ông đã gặp Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko và các quan chức khác.

“Rõ ràng đây sẽ là ngân sách của một quốc gia đang có chiến tranh”, ông nói. “Hơn 1.000 tỷ hryvnias trong năm tới sẽ dành cho lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Đây sẽ là ưu tiên số 1”.

Chính phủ Ukraine sẽ đưa ra các kế hoạch để giảm chi tiêu cho các doanh nghiệp nhà nước, các quan chức và các tổ chức được coi là không thiết yếu, ông Zelenskyy cho biết.

Một quỹ đặc biệt về tái thiết đất nước sẽ được thành lập để bù đắp một phần từ số tiền thu được từ việc tịch thu tài sản của Nga, ông nói, nhắc lại một ý tưởng mà Kiev đã nêu ra trước đó.

Ukraine đã ước tính chi phí của cuộc chiến kết hợp với thu nhập từ thuế thấp hơn đã dẫn đến khoản thâm hụt tài chính 5 tỷ USD mỗi tháng - tương đương 2,5% GDP của đất nước trước khi xung đột vũ trang với Nga bùng phát. Các nhà kinh tế tính toán rằng con số này đẩy thâm hụt hàng năm của Ukraine lên 25% GDP, so với mức chỉ 3,5% trước khi xảy ra xung đột.

Tàn tích của một quả đạn pháo trên một con phố ở thủ đô Kiev vào ngày 24/2/2022 - ngày Tổng thống Nga Putin phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Moscow ở Ukraine. Ảnh: Times of Israel

Tái thiết Ukraine – Câu chuyện dài

Ngay cả khi cuộc xung đột ở Ukraine vẫn chưa có hồi kết, các đồng minh của Kiev đang phải đối mặt với những câu hỏi phức tạp về công cuộc tái thiết đất nước Đông Âu, tờ New York Times cho biết trong một bài đăng hôm 7/9.

Ai sẽ trả tiền cho những gì, và ai sẽ kiểm soát quy trình tái thiết và kinh phí? Cần phải có sự giám sát nào từ bên ngoài đối với các khoản tài trợ cho tái thiết và Ukraine phải thực hiện những thay đổi gì?

Một hội nghị quốc tế về tái thiết đã được lên kế hoạch tổ chức vào tháng tới tại Berlin để giải quyết những vấn đề đó, đồng thời xác định xem có nên bắt đầu tái thiết Ukraine trước khi có một giải pháp hòa bình hay không, tờ báo Mỹ cho biết.

Ngoài ra còn có một câu hỏi gây khó chịu là loại đảm bảo an ninh nào nên được cung cấp cho Ukraine để khuyến khích đầu tư tư nhân vào công việc tái thiết.

Để đạt được mục tiêu đó, chính phủ Đức đã yêu cầu Quỹ Marshall có trụ sở tại Washington đưa ra các đề xuất cho các quốc gia tài trợ. Báo cáo của họ đã được cung cấp cho tờ New York Times và hiện đang được thảo luận giữa các quốc gia tài trợ với tư cách là “một thông báo riêng cho các bên liên quan”.

Trong số các khuyến nghị chính có khuyến nghị của Nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển (G7) về chỉ định một cơ quan điều phối để giám sát công cuộc tái thiết Ukraine, lý tưởng là một tổ chức của Mỹ có tầm vóc toàn cầu. Ngoài ra, cũng có khuyến nghị rằng các thể chế hiện có được sử dụng cho dự án để đảm bảo tính kịp thời, và rằng nên sử dụng các tổ chức tài chính đa phương khác nhau để hạn chế ảnh hưởng của các thành viên hội đồng quản trị của Nga hoặc Trung Quốc.

Minh Đức (Theo Yahoo!News, New York Times)