Thế giới

Tổng thống Zelenskyy kêu gọi hỗ trợ tại Hội nghị thượng đỉnh G7

Yêu cầu hàng đầu của Tổng thống Zelenskyy là bổ sung các hệ thống phòng không, tiếp theo là hỗ trợ kinh tế để giúp chính phủ Ukraine đáp ứng các nghĩa vụ tài chính.

Trong cuộc họp kết nối qua video với những lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy mới đây đã nhấn mạnh sự cấp thiết trong việc các nước hỗ trợ quân đội Ukraine cải thiện vị thế của mình trước Nga.

Tổng thống Zelenskyy đã đề cập đến vấn đề trong bối cảnh những vị lãnh đạo của các nền kinh tế lớn chuẩn bị công bố kế hoạch giới hạn giá đối với dầu của Nga, tăng thuế đối với hàng hóa nước này và áp đặt các lệnh trừng phạt mới khác, theo hãng tin AP. Ngoài ra, Mỹ cũng chuẩn bị công bố việc mua hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) tiên tiến cho Kiev để hỗ trợ trong cuộc xung đột với Nga.

Hôm 27/6, quan chức Ukraine đã nhấn mạnh nhu cầu hơn nữa đối với hệ thống phòng không sau khi Nga sử dụng tên lửa gây thiệt hại đến một trung tâm mua sắm đông đúc ở trung tâm thành phố Kremenchuk, tỉnh Poltava, Ukraine.

Tổng thống Zelenskyy bày tỏ quan ngại rằng phương Tây đã trở nên mệt mỏi bởi tác động của xung đột làm tăng chi phí năng lượng và giá các mặt hàng thiết yếu khác trên toàn cầu. Nhà lãnh đạo Ukraine đã thảo luận về chiến lược của mình trong cuộc xung đột.

Các nhà lãnh đạo lắng nghe Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 hôm 27/6/2022. Ảnh: Hội đồng Liên minh châu Âu.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết yêu cầu hàng đầu của Tổng thống Zelenskyy là bổ sung các hệ thống phòng không, tiếp theo là hỗ trợ kinh tế để giúp chính phủ Ukraine đáp ứng các nghĩa vụ tài chính. Ông Sullivan chia sẻ thêm rằng Tổng thống Zelenskyy đã trình bày trước các nhà lãnh đạo G7 về việc giới chức nước này đang sử dụng hỗ trợ như thế nào ”để tối đa hóa năng lực của Ukraine trong việc chống lại các bước tiến của Nga và thực hiện các cuộc đáp trả nếu có thể”.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nhận định rằng nhà lãnh đạo Ukraine đã “rất tập trung để đảm bảo nước này ở vị thế thuận lợi trên chiến trường nhất có thể” trong những tháng tới, “ông ấy tin rằng cuộc xung đột gay gắt không đem lại lợi ích cho người dân Ukraine”. Sau khi nghe phát biểu từ Tổng thống Zelenskyy, các nhà lãnh đạo G7 đã cam kết trong một tuyên bố sẽ hỗ trợ Ukraine "chừng nào còn có thể".

Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay, cho biết sau cuộc gặp với Thủ tướng Canada Justin Trudeau rằng “Chúng tôi đang đưa ra những quyết định cứng rắn và thận trọng, chúng tôi sẽ giúp đỡ Ukraine nhiều nhất có thể nhưng chúng tôi cũng tránh dẫn tới cuộc xung đột lớn giữa Nga và NATO ”. 

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng trong tình hình hiện tại G7 phải “tiếp tục giúp người Ukraine xây dựng lại nền kinh tế, thu hoạch và xuất khẩu ngũ cốc và tất nhiên chúng tôi phải giúp họ tự bảo vệ chính họ. Đó là những gì chúng tôi sẽ tiếp tục làm”.

Hôm 27/6 tại Brussels, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố liên minh quân sự sẽ tăng quy mô Lực lượng phản ứng nhanh (NRF) gấp 8 lần lên tới 300 nghìn quân, như một phần của phản ứng đối với “kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược”. Lực lượng phản ứng của NATO hiện gồm khoảng 40 nghìn quân, có thể triển khai nhanh chóng khi cần thiết.

G7 đã cam kết hỗ trợ tài chính cho các nhu cầu trước mắt của Ukraine và có kế hoạch hỗ trợ xây dựng lại nền kinh tế trong dài hạn. Vào tháng trước, các bộ trưởng tài chính của nhóm đã đồng ý cung cấp 19,8 tỷ USD viện trợ kinh tế để giúp Kiev duy trì hoạt động các dịch vụ cơ bản và tiếp tục phòng thủ trước các lực lượng Nga.

Các nhà lãnh đạo từ Pháp, Đức, Italy và Romania gặp gỡ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại thủ đô Kiev vào ngày 16/6/2022. Ảnh: Aljazeera.

Theo ghi nhận của hãng tin AP, một số nhà phân tích thị trường quan ngại về sự hiệu quả của biện pháp giới hạn giá đối với dầu của Nga, bởi việc thực thi giới hạn giá của G7 có thể sẽ phụ thuộc vào sự hợp tác của Ấn Độ và Trung Quốc. 

Ông Carsten Fritsch, chuyên gia phân tích hàng hóa tại ngân hàng Commerzbank, cho biết: “Vấn đề là liệu các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc có đồng ý ngừng mua dầu của Nga hay không, đặc biệt là khi nước này đang giao dịch ở mức giá được chiết khấu đáng kể so với giá thị trường toàn cầu”.

Sau khi xung đột xảy ra vào hồi cuối tháng 2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có các cuộc trò chuyện tích cực với Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zelenskyy, trong khi Mỹ đã cắt đứt phần lớn các cuộc đàm phán quan trọng với Nga.

Phạm Hà Thanh (theo AP, Reuters)