Thế giới

Tổng thống Zelensky: Ukraine vẫn tìm kiếm hòa bình

Ukraine đã nắm quyền kiểm soát miền Bắc đất nước. Chiến địa đang chuyển sang miền Đông và miền Nam. Thành phố cảng Odessa áp dụng lệnh giới nghiêm cuối tuần.

Thành phố cảng Odessa, miền Nam Ukraine, đang áp đặt lệnh giới nghiêm cuối tuần nhằm ứng phó với "mối đe dọa tấn công bằng tên lửa", sau vụ pháo kích vào một ga xe lửa khiến hàng chục người thiệt mạng ở thành phố Kramatorsk, miền Đông nước này.

Lệnh giới nghiêm được áp dụng ở Odessa và vùng Odessa từ 9h tối ngày 8/4 đến 6h chiều ngày 11/4 (giờ địa phương), chính quyền quân sự khu vực của Odessa cho biết trên Facebook.

Nga, Ukraine tiến hành đợt trao đổi tù nhân thứ ba

Ukraine hôm 9/4 cho biết, 12 binh sĩ và 14 dân thường của họ đã trở về nhà sau cuộc trao đổi tù nhân với Nga.

“Theo lệnh của Tổng thống Zelensky, cuộc trao đổi tù nhân lần thứ ba đã diễn ra vào ngày hôm nay. 12 quân nhân của chúng tôi đang trên đường trở về nhà, trong đó có một nữ sĩ quan”, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết hôm 9/4 trên Telegram.

Trong số 14 dân thường có 9 phụ nữ cũng đang trên đường về nhà, bà bổ sung.

Phó Thủ tướng Ukraine không cho biết chi tiết về số người Nga được trao đổi trong đợt này.

Tuy nhiên, Cao ủy Nhân quyền của Nga, bà Tatyana Moskalkova cho biết, 14 thủy thủ Nga đã trở về nhà hôm 9/4.

Trước đó, 2 cuộc trao đổi binh lính và dân thường khác đã diễn ra giữa Kiev và Moscow kể từ khi cuộc xung đột vũ trang bùng phát vào cuối tháng 2.

Ukraine vẫn tìm kiếm hòa bình

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 9/4 tuyên bố, ông vẫn thúc đẩy hòa bình bất chấp các cuộc tấn công của Nga.

Ông Zelensky đã có một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP vào ngày 9/4, một ngày sau khi ít nhất 52 người thiệt mạng trong một vụ tấn công bằng tên lửa tại nhà ga xe lửa ở thành phố Kramatorsk, miền Đông Ukraine.

Tổng thống Zelensky cho biết, mặc dù không ai ở đất nước của ông muốn đàm phán với phe đối địch, nhưng "chúng tôi không muốn đánh mất các cơ hội, nếu có, cho một giải pháp ngoại giao".

Bình luận của nhà lãnh đạo Ukraine được đưa ra khi Nga được cho là đã sẵn sàng bắt đầu tăng cường các cuộc tấn công ở miền Đông.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và Thủ tướng Anh Boris Johnson đi bộ dọc một con phố ở Kiev sau cuộc họp. Ảnh: Al Jazeera

Trong bài phát biểu video hàng tối hôm 9/4, Tổng thống Zelensky một lần nữa kêu gọi cấm nhập khẩu dầu từ Nga.

“Thế giới dân chủ chắc chắn có thể từ bỏ dầu của Nga và biến nó thành chất độc đối với tất cả các quốc gia khác”, ông Zelensky tuyên bố.

Ông Zelensky cũng cảm ơn Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson và Thủ tướng Áo Karl Nehammer đã đến thăm Kiev hôm 9/4.

Trong chuyến thăm, Thủ tướng Johnson đã đi bộ với ông Zelensky trên đường phố thủ đô. Nhà lãnh đạo Anh nói với ông Zelensky rằng, Anh sẽ cung cấp xe bọc thép và hệ thống tên lửa chống hạm, cùng với hỗ trợ thêm cho các khoản vay của Ngân hàng Thế giới (WB).

Trong chuyến thăm Ukraine hôm 9/4, Thủ tướng Áo Karl Nehammer cũng đã đến thăm vùng ngoại ô Bucha của Kiev.

Cũng trong ngày 9/4, một sự kiện gây quỹ cho người tị nạn Ukraine đã được tổ chức ở Warsaw, Ba Lan. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, hội nghị các nhà tài trợ đã quyên góp được tổng cộng 9,1 tỷ Euro (9,9 tỷ USD) cho những người tị nạn Ukraine.

Bà Von der Leyen đã trực tiếp tham dự sự kiện, trong khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau tham gia qua liên kết video.

Trước sự kiện gây quỹ, bà von der Leyen đã gặp ông Zelensky ở Kiev và đưa cho ông một bảng câu hỏi, vốn được coi là bước khởi đầu quan trọng để quyết định về tư cách thành viên EU.

Về phần mình, Tổng thống Zelensky khẳng định trong cuộc họp báo, Chính phủ Ukraine sẽ quay trở lại với câu trả lời sau một tuần.

EU cũng sẽ chuyển bản câu hỏi cho Gruzia và Moldova, Cao ủy Châu Âu về Khu vực lân cận và Mở rộng Oliver Varhelyi cho biết hôm 9/4 trên Twitter.

Cả Ukraine, Gruzia và Moldova đều đã có Thỏa thuận Hiệp hội với Liên minh Châu Âu.

Đức hết vũ khí trong kho để gửi cho Ukraine?

Trong một cuộc mít-tinh ở bang Schleswig-Holstein của Đức hôm 9/4, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine để giúp quốc gia Đông Âu chống lại quân Nga.

Tuyên bố của ông Scholz mâu thuẫn với tuyên bố trước đó của Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht. Bộ trưởng Lambrecht nói với tờ Augsburger Allgemeine rằng Đức hầu như không còn khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraine từ kho vũ khí của quân đội nước này, và các chuyến hàng tiếp theo sẽ phải được thực hiện thông qua ngành công nghiệp vũ khí.

Berlin cho đến nay đã chuyển giao các thiết bị quân sự như tên lửa chống tăng, phòng không và đất đối không cũng như súng máy và đạn dược cho Ukraine. Ảnh: DW

Ukraine cấm tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Nga

Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svrydenko hôm 9/4 cho biết trên trang Facebook của mình: “Hôm nay chúng tôi chính thức tuyên bố chấm dứt hoàn toàn hoạt động buôn bán hàng hóa với quốc gia gây hấn. Kể từ bây giờ, không có sản phẩm nào của Liên bang Nga sẽ có thể được nhập khẩu vào lãnh thổ của nhà nước chúng tôi”.

Thương mại giữa hai quốc gia phần lớn đã bị cắt đứt kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2.

Hiệp hội Đức: Không nên tẩy chay khí đốt của Nga

Hiệp hội công nghiệp hóa chất Đức (VCI) hôm 9/4 cho rằng, tẩy chay khí đốt nhập khẩu từ Nga có thể gây ra "hậu quả thảm khốc đối với ngành công nghiệp ở Đức và người dân ở nước ta".

Phó Chủ tịch VCI Werner Baumann nói với tờ Bild am Sonntag của Đức rằng Đức sẽ chứng kiến một "làn sóng thất nghiệp" từ một động thái như vậy.

Thành phố cảng Odessa, miền Nam Ukraine, đang áp dụng lệnh giới nghiêm cuối tuần nhằm ứng phó với mối đe dọa không kích. Ảnh: Al Jazeera

Minh Đức (Theo DW, Euronews, Times of Israel)