Thế giới

Tổng thống Zelensky: Nga chỉ còn cơ hội duy nhất để giảm tổn thất

Các lực lượng Nga không có tiến triển đáng kể. Tuy nhiên, tên lửa vẫn đang bắn phá ở sân bay Lviv, miền Tây Ukraine và pháo kích vẫn tiếp tục ở thành phố Mariupol.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một lần nữa kêu gọi đàm phán với Moscow, cảnh báo rằng đó là “cơ hội duy nhất để Nga giảm thiểu thiệt hại do những sai lầm của chính họ gây ra” sau khi tấn công quân sự vào Ukraine.

Hai bên hiện đang tổ chức đàm phán theo hình thức trực tuyến, nhưng cho đến nay, giống như các vòng đàm phán trước, đều đạt được rất ít tiến triển. Và chưa có cuộc đàm phán nào ở cấp Tổng thống.

“Đây là thời điểm để gặp gỡ, đối thoại, thời điểm để xốc lại sự toàn vẹn lãnh thổ và công bằng cho Ukraine”, ông Zelensky truyên bố trong một bài phát biểu video đăng trên Facebook.

"Nếu không, tổn thất của Nga sẽ đến mức vài thế hệ cũng sẽ không thể phục hồi được".

Trong bài phát biểu, ông Zelensky cũng cho biết về các vấn đề nhân đạo.

Cụ thể, chính quyền Ukraine đã có thể giải cứu hơn 9.000 người khỏi thành phố cảng Mariupol, nơi đang bị lực lượng Nga bao vây. Vẫn chưa có thông tin về số người thiệt mạng trong vụ Nhà hát kịch Mariupol - nơi dân thường trú ấn - bị đánh bom, ông nói.

Hơn 180.000 công dân Ukraine đã được giải cứu thông qua các hành lang nhân đạo trên khắp đất nước, ông Zelensky cho biết.

Một số vòng đàm phán giữa Kiev và Moscow đã diễn ra, cả trực tiếp và trực tuyến, kể từ khi xung đột vũ trang Nga - Ukraine bùng nổ vào ngày 24/2

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu từ Kiev, Ukraine, ngày 18/3/2022. Ảnh: Times of Israel

Nhà đàm phán hàng đầu của Nga cho biết hôm 18/3 rằng, Moscow và Kiev đã đưa lập trường của 2 bên xích lại gần nhau nhất có thể liên quan đến đề xuất về việc Ukraine trở thành một quốc gia trung lập.

Tuy nhiên, ông Mikhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Zelensky, người trực tiếp tham gia các cuộc đàm phán, cho biết lập trường của đất nước ông không hề thay đổi.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 18/3 cho rằng các nhà chức trách Ukraine đang làm đình trệ các cuộc đàm phán, đồng thời lưu ý rằng Moscow sẵn sàng tìm kiếm các giải pháp.

Ông Putin đưa ra bình luận trên trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

“Kiev đang cố gắng bằng mọi cách có thể để làm đình trệ các cuộc đàm phán, đưa ra ngày càng nhiều đề xuất phi thực tế", Điện Kremlin cho biết sau cuộc điện đàm. "Tuy nhiên, phía Nga sẵn sàng tiếp tục tìm kiếm các giải pháp phù hợp với các phương pháp tiếp cận có nguyên tắc nổi tiếng của mình".

Người phát ngôn của ông Putin, Dmitry Peskov, mô tả cuộc điện đàm giữa ông Putin và ông Scholz là "khó khăn", nhưng nói thêm rằng những cuộc tiếp xúc như vậy vẫn cần thiết.

Ông Peskov cho biết, vẫn còn sớm để nói về một thỏa thuận mà các nhà đàm phán Nga và Ukraine có thể ký kết.

Tối 18/3, ông Putin cũng có cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Peskov nói.

Ukraine sẽ không thỏa hiệp với Nga về việc gia nhập EU

Ukraine sẽ không từ bỏ nỗ lực gia nhập EU để đạt được một thỏa hiệp với Nga như một phần của thỏa thuận chấm dứt chiến tranh, Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, Andrii Sybiha, cho biết.

“Tôi phải nói rõ rằng, điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Đó là sự lựa chọn của chúng tôi, đơn xin gia nhập EU đã được đệ trình và giờ nó đang được xem xét”, ông Sybiha cho biết.

Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, ông Sybiha cho biết, các cuộc đàm phán với Nga đang tiếp tục nhưng rất khó khăn.

Liên quan tới tư cách thành viên EU của Ukraine, Tổng thống Zelensky cho biết, ông đã nói chuyện với người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Ukraine hy vọng nhìn thấy tiến triển về quá trình xin gia nhập EU của nước này trong những tháng tới.

Tình báo Anh: Quân Nga vẫn đối mặt với các vấn đề hậu cần

Một đánh giá tình báo của Bộ Quốc phòng Anh cho biết, cuộc tấn công của Moscow vào Ukraine đang “vấp đá tảng”, với việc các vấn đề hậu cần đang khiến quân Nga chùn bước.

Theo bản đánh giá, việc miễn cưỡng điều động quân xuyên quốc gia, thiếu kiểm soát trên không và khả năng bắc cầu hạn chế đang ngăn cản Nga thực hiện hiệu quả việc tiếp tế cho các binh đoàn phía trước của họ với những thứ cơ bản như lương thực và nhiên liệu; đồng thời, các cuộc phản công của Ukraine buộc Nga phải chuyển quân để bảo vệ đường tiếp tế.

Các lực lượng Nga không có tiến triển đáng kể. Tuy nhiên, tên lửa vẫn đang bắn phá ở sân bay Lviv, miền Tây Ukraine và pháo kích vẫn tiếp tục ở thành phố Mariupol, ngày 18/3/2022. Ảnh: Al Jazeera

Ukraine mất quyền tiếp cận Biển Azov

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, họ đã "tạm thời" mất quyền tiếp cận Biển Azov trước những bước tiến của Nga xung quanh Mariupol, theo thông tin do trang DW tổng hợp hôm 19/3.

Quân Nga “đã thành công một phần trong khu vực hoạt động Donetsk, tạm thời tước quyền tiếp cận Biển Azov của Ukraine", Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết.

Bộ này không nêu rõ liệu Ukraine đã lấy lại được quyền tiếp cận biển hay chưa, nhưng nói rằng các lực lượng Nga đã bị đẩy lùi khỏi các cuộc tiếp cận về phía thành phố Mykolaiv, miền Nam Ukraine.

Phía Nga hôm 18/3 cho biết, họ đang "thắt chặt thòng lọng" xung quanh thành phố cảng Mariupol, theo DW.

Theo Al Jazeera, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, Nga đã mất khoảng 14.200 quân nhân kể từ khi cuộc xung đột vũ trang bắt đầu vào ngày 24/2, trong đó có khoảng 200 binh sĩ thiệt mạng trong 24 giờ qua.

Bộ này cũng tuyên bố rằng các lực lượng Ukraine đã phá hủy 450 xe tăng Nga, 1.448 xe bọc thép, 93 máy bay, 112 máy bay trực thăng và 12 máy bay không người lái.

Kể từ đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt”, Bộ Quốc phòng Nga chỉ công bố số quân nhân tử trận một lần duy nhất vào ngày 2/3, với 498 quân nhân đã thiệt mạng ở Ukraine.

Tờ New York Times đưa tin hôm 16/3 rằng Nga đã mất khoảng 7.000 binh sĩ ở Ukraine.

Không có cách nào để xác minh các tuyên bố của cả 2 bên.

Điện đàm cấp cao Mỹ - Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về “những tác động và hậu quả” nếu Bắc Kinh hỗ trợ vật chất cho Moscow trong cuộc chiến ở Ukraine, Nhà Trắng cho biết sau cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ quốc gia diễn ra hôm 18/3.

Phía Mỹ cho biết cuộc điện đàm kéo dài chưa đầy 2 tiếng đồng hồ đã được chuẩn bị trong nhiều tháng và theo sau cuộc gặp trực tuyến đầu tiên giữa ông Biden và ông Tập vào tháng 11/2021.

Ông Biden “đã mô tả những tác động và hậu quả nếu Trung Quốc hỗ trợ vật chất cho Nga” khi Moscow tiến hành tấn công quân sự vào Ukraine, Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố về cuộc điện đàm.

Tuy nhiên, Nhà Trắng từ chối chia sẻ chi tiết về "những tác động và hậu quả" mà ông Biden nói.

Quang cảnh cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 18/3/2022. Ảnh: Japan Times

IEA cảnh báo về cú sốc cung dầu lớn nhất trong nhiều thập kỷ

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) kêu gọi cộng đồng quốc tế cắt giảm sử dụng dầu, cảnh báo rằng thế giới phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nguồn cung lớn.

“Do hậu quả của cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine, thế giới có thể đang phải đối mặt với cú sốc cung dầu lớn nhất trong nhiều thập kỷ, với những tác động to lớn đối với nền kinh tế và xã hội của chúng ta”, Giám đốc Điều hành IEA Fatih Birol cảnh báo.

IEA đã công bố kế hoạch cắt giảm sử dụng dầu gồm 10 điểm, bao gồm làm việc tại nhà (WFH) ít nhất 3 ngày/tuần nếu có thể, và hạn chế đi lại bằng đường hàng không bằng cách sử dụng các loại hình vận tải khác.

IEA cũng kêu gọi OPEC+ giúp "giảm bớt căng thẳng" trên các thị trường.

Nga là nước xuất khẩu dầu lớn nhất ra thị trường toàn cầu và là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai sau Ả Rập Xê-út.

Một số quốc gia, bao gồm Mỹ, Vương quốc Anh và Canada, đã cấm nhập khẩu dầu của Nga.

Đức chuẩn bị áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga

Trong một bài phát biểu về chính sách an ninh, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đưa ta tín hiệu rằng nền kinh tế số 1 châu Âu nên xem xét áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga do cuộc tấn công quân sự của Moscow vào Ukraine.

Điều quan trọng là phải có lập trường và không giữ im lặng do phụ thuộc kinh tế hoặc năng lượng, Ngoại trưởng Đức khẳng định.

Khoảng 1/3 lượng dầu và 1/2 lượng than và khí đốt tự nhiên của Đức đến từ Nga.

Ngoại trưởng Annalena Baerbock trình bày chiến lược an ninh quốc gia của Đức, ngày 18/3/2022. Ảnh: DW

Minh Đức (Theo Times of Israel, DW, Al Jazeera)