Thế giới

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chỉ đạo giảm lãi suất

Trong lúc các nước trên thế giới đang chạy đua tăng lãi suất để kìm lạm phát, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kiên quyết “lội ngược dòng”, mạnh tay giảm lãi suất.

Trong một tuyên bố sau cuộc họp của Ủy ban Chính sách Tiền tệ hôm 18/8, ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ đã quyết định giảm lãi suất chính sách từ 14% xuống 13% nhằm “giảm thiểu rủi ro địa chính trị”, bất chấp tỷ lệ lạm phát ở quốc gia này đang ở mức cao ngất ngưởng tới 80%.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ liên tục giảm lãi suất xuất phát từ quan điểm của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan rằng việc giảm lãi suất có thể làm chậm lại chứ không thúc đẩy quá trình lạm phát. Điều này trái ngược hoàn toàn với tư duy kinh tế đã được thiết lập trước đó.

Tổng thống Erdogan đã chỉ thị cho ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ liên tục cắt giảm lãi suất trong 2 năm 2020 và 2021, ngay cả khi lạm phát đi lên.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang áp dụng một loạt chính sách để cố nâng giá đồng lira, chủ yếu liên quan tới việc chi tiêu dự trữ ngoại hối hoặc ngăn chặn các khoản vay bằng đồng lira cho những công ty được cho là đang nắm giữ quá nhiều ngoại tệ. Theo các chuyên gia kinh tế, những biện pháp này đều không bền vững.

Người dân đi lại trên đường phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Sat7UK

Sau khi thông tin về việc cắt giảm lãi suất được công bố, đồng lira ngay lập tức mất 0,9% giá trị so với đồng bạc xanh, giao dịch ở mức hơn 18,1 lira đổi lấy 1 USD - gần mức thấp kỷ lục.

Cuộc chạy đua tăng lãi suất

Trong khi đó, các ngân hàng trung ương khác lại đang chạy đua tăng lãi suất trong nỗ lực hãm phanh giá tiêu dùng và kiềm chế lạm phát ở mức thấp nhất có thể.

Cũng trong ngày 18/8, ngân hàng trung ương Na Uy đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5% lên 1,75%, cảnh báo thêm rằng nhiều khả năng lãi suất sẽ còn tăng lên vào tháng 9.

Ngân hàng trung ương New Zealand cũng đã công bố lần tăng lãi suất thứ tư liên tiếp, nâng mức 0,5% lên 3%, mức cao nhất kể từ năm 2015.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều cường quốc kinh tế phương Tây cũng đã liên tục điều hành lãi suất bằng hoặc gần mức thấp kỷ lục nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát ở mức vừa phải khoảng 2%.

Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách, những tác động của đại dịch Covid lên nguồn cung, sau đó là xung đột Nga – Ukraine, đã gây thêm áp lực lên các sản phẩm thiết yếu như thực phẩm và nhiên liệu, khiến lạm phát diễn ra tràn lan trên hầu khắp thế giới.

Các ngân hàng trung ương ở Mỹ, Canada, Úc, Ấn Độ, Thụy Điển và nhiều quốc gia khác đã khẩn trương tiến hành tăng lãi suất. Ngay cả Ngân hàng Trung ương châu Âu vốn nổi tiếng chậm chạp cũng đã áp đặt mức tăng lãi suất đầu tiên đối với các nước thành viên khu vực đồng tiền chung euro vào tháng trước, thậm chí còn cảnh báo lãi suất sẽ tiếp tục tăng lên thời gian tới.

Nguyễn Tuyết (Theo Euronews, CNBC, DW)