Tiêu điểm thế giới

Tổng thống Putin hé lộ điều gì về tàu ngầm vừa cháy?

Trong cuộc trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Tổng thống Nga lần đầu tiên tiết lộ tàu ngầm gặp nạn ngày 1/7 chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Ngày 1/7, một tàu ngầm của Nga bất ngờ gặp sự cố bốc cháy tại rìa bắc của lãnh hải nước này khiến 14 thủy thủ thiệt mạng.

Thông tin này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới truyền thông thế giới, đặc biệt phía Na Uy với những lo ngại liệu trên tàu có lò phản ứng hay không. Tuy nhiên Nga vẫn tiếp tục giữ im lặng.

Phát biểu ngày 2/7, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, con tàu cũng như hoạt động của nó thuộc về phạm trù tuyệt mật nên chưa thể công bố bất kỳ thông tin gì.

Ngày 4/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu tại Điện Kremlin về vấn đề này. Trong cuộc trao đổi, Tổng thống Putin đã lần đầu tiết lộ đây là tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân khi hỏi ông Shoigu về tình trạng của con tàu.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu báo cáo với Tổng thống Putin về vụ tai nạn tàu ngầm (ảnh: Kremlin).

Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu nói với ông Putin: "Lò phản ứng hạt nhân trên tàu đã bị cô lập và vô hiệu hóa. Tất cả các biện pháp cần thiết đã được những thành viên đoàn tàu thực hiện để bảo vệ lò phản ứng hoạt động theo chỉ đạo".

Bộ trưởng Quốc phòng Nga nói thêm: "Nguyên nhân chính dẫn tới sự cố đã được xác định là ngọn lửa bắt nguồn từ khoang chứa pin và lan ra xung quanh". Theo quan chức này, con tàu có thể được sửa chữa nhanh chóng.

Cuộc họp diễn ra sau khi ông Shoigu thực hiện chuyến đi điều tra tại căn cứ hải quân Severomorsk, nơi con tàu đã được đưa về đây, theo lệnh của ông Putin.

Hôm 2/7, giới chức Na Uy cho hay họ không phát hiện mức độ phóng xạ cao bất thường ở vùng biển tàu ngầm Nga bốc cháy.

Tờ Novaya Gazeta thông tin, tàu ngầm khảo sát gặp nạn là AS-12, với thiết kế có thể lặn đến những độ sâu vượt xa tàu thường.  Bộ Quốc Phòng Nga cho biết con tàu gặp nạn đang thực hiện nhiệm vụ khoa học nghiên cứu đáy biển ngoài khơi bờ biển phía Bắc của Nga và Na Uy.

Bá Di (Tổng hợp)