Tiêu điểm thế giới

Thổ Nhĩ Kỳ "năn nỉ" Nga ở Syria, ông Putin "chần chừ" quyết định

Cuộc gặp với Tổng thống Putin có thể đã không mang lại bất kỳ kết quả đáng mong đợi nào đối với Tổng thống Erdogan trong giải quyết vấn đề người Kurd.

Nga không chắc làm theo đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang có cơ hội khác để vận động Tổng thống Vladimir Putin bảo vệ lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ khi Mỹ chuẩn bị rút khỏi Syria. Động thái này sẽ càng thúc đẩy Nga trở thành nhà môi giới quyền lực chủ chốt ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá, tờ Bloomberg nhận định.

Hai nhà lãnh đạo đã gặp lại nhau tại Moscow vào ngày 23/1 để thảo luận về sự phối hợp ở Syria, nơi cả hai luôn đối nghịch nhau ngay cả khi mối quan hệ đã trở nên nồng ấm thời gian qua. Nga đã ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong suốt 8 năm chiến đấu, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các lực lượng chiến binh tìm cách lật đổ ông.

Trọng tâm chính của các cuộc đàm phán là Idlib, nơi một chi nhánh của al-Qaeda có tên Hayat Tahrir al-Shamrouted đã đánh đuổi phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn trong một vài bước tiến bất ngờ vài tuần qua.

Điều này đã làm đình trệ một thỏa thuận mà Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được với Moscow vào tháng 9 trong việc ngăn chặn một cuộc tấn công của chính quyền Syria vào thành phố. Thỏa thuận này phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng đồng minh trong việc dọn sạch những kẻ khủng bố trong khu vực - điều mà cho đến nay họ đã không làm được.

Ngày 24/1, bộ Ngoại giao Nga đã cảnh báo tình hình xung quanh khu vực giảm leo thang ở Idlib đang nhanh chóng xấu đi, nói rằng HTS đã kiểm soát hoàn toàn. Bộ quốc phòng của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang nghiên cứu các biện pháp chung bổ sung để ổn định tình hình ở Idlib - ông Putin nói với các phóng viên sau cuộc họp, mà không cho biết thêm chi tiết.

Một hội nghị thượng đỉnh giữa Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng được lên kế hoạch cho tháng tới, theo lời Tổng thống Erdogan.

Đèn xanh được bật từ Moscow cho việc chính quyền Assad giành lại quyền kiểm soát Idlib sẽ đánh dấu sự thụt lùi đối với Tổng thống Erdogan, người đang cố gắng cải thiện tình hình sau nhiều tháng trì trệ.

Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng một quá trình chuyển đổi chính trị sau khi cuộc chiến kết thúc phải chứng kiến ​​Tổng thống Assad rời đi. Nhưng đặc phái viên Trung Đông của Nga đã nói với Bloomberg vào tháng trước rằng Tổng thống Assad đang có được uy tín chính trị rất tốt và có thể sẽ giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử mới.

Nga không dễ làm theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ?

Kế hoạch tấn công người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ đổ bể khi Mỹ chưa rút quân ngay lập tức.

“Lavrov đã nói rằng Nga sẽ xem xét lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng điều đó nghe có vẻ giống như một biểu hiện ngoại giao. Sẽ không thể có bất kỳ sự thay đổi nào”, theo Heiko Wimmen, Giám đốc Dự án Syria, Lebanon và Iraq tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế ở Beirut, nhắc lại lời của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Nhà phân tích này tin rằng, ông Erdogan sẽ cố gắng thuyết phục ông Putin về kế hoạch vùng an ninh của mình nhưng không chắc sẽ đạt được thành công.

Trước đó, giáo sư quan hệ quốc tế Mensur Akgun lưu ý, có sự khác biệt giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga về vùng đệm, nhưng ông cho biết Moscow không quan tâm nhiều đến việc ngăn chặn điều đó xảy ra. Tuy nhiên, Nga sẽ yêu cầu nhượng bộ từ Thổ Nhĩ Kỳ trong các lĩnh vực khác như một sự đánh đổi.

"Ankara đã nhấn mạnh ở mức độ cao sự cần thiết của khu vực này đối với an ninh quốc gia. Vì vậy, Moscow có thể sẽ đồng ý để đổi lấy lợi ích khác", Akgun nói với Al Jazeera.

Ngoại trưởng Lavrov hôm 16/1 đã cảnh báo, thỏa thuận về Idlib sẽ không trao quyền kiểm soát cho những kẻ khủng bố, và nói rằng tình hình sẽ có một vấn đề trung tâm trong cuộc thảo luận giữa Putin và Erdodan.

Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đang lưu giữ số lượng tị nạn lớn nhất thế giới với gần 4 triệu người, lo ngại rằng một cuộc tấn công của chính quyền Syria vào Idlib sẽ đẩy thêm hàng trăm ngàn người tị nạn khác qua biên giới nước này.

Việc giành lại Idlib cũng sẽ củng cố thêm vị thế của Tổng thống Assad khi ông tìm cách khai thác việc rút quân của quân đội Mỹ để lấy lại các tỉnh đông bắc giàu dầu mỏ trong tay một nhóm người Kurd do Mỹ hậu thuẫn.

Ankara coi chiến binh người Kurd là những kẻ khủng bố và đang nỗ lực thiết lập vùng đệm ở biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, một kế hoạch mà Mỹ ủng hộ nhưng cũng có thể sẽ cần sự hỗ trợ của Nga để thực thi.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết tuần trước rằng, quân đội nước ông đã sẵn sàng hợp tác với Nga và Iran, cũng như Mỹ, để đối đầu với các chiến binh thánh chiến ở Idlib và ngăn chặn một cuộc tấn công rộng lớn hơn vào vùng đất này. Theo thỏa thuận ngừng bắn tháng 9, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẽ đảm bảo các chiến binh liên kết với al-Qaeda rời khỏi khu vực phi quân sự tại đó.

Tuy nhiên, với ước tính khoảng 15.000-20.000 chiến binh, các nhóm cực đoan sẽ khó có thể bị đánh bật sau khi đã áp đặt quyền kiểm soát ở thành phố Idlib và tỉnh lân cận, Anton Lavrov, một nhà phân tích quốc phòng độc lập ở Moscow cho biết.

“Đây sẽ không phải là một chiến thắng nhanh chóng mà sẽ mất rất nhiều thời gian, thậm chí là vài tháng”, ông nói.

Hiện chưa rõ điều này sẽ có ý nghĩa gì đối với kế hoạch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào các chiến binh người Kurd ở phía Đông. Viễn cảnh về một cuộc tấn công sắp xảy ra của Ankara đã phai nhạt dần sau khi các quan chức Mỹ gây áp lực lên Tổng thống Donald Trump trong việc rút quân mà bỏ mặc người Kurd.

Quá trình rút quân của Mỹ đang được tiến hành chậm hơn với việc nước này sẽ  tìm cách bảo vệ cho người Kurd, lực lượng chịu đựng nhiều tổn thất nặng nề nhất trong cuộc chiến chống lại IS.

Trong khi đó, cái chết của bốn binh sĩ Mỹ trong vụ tấn công ngày 16/1 do IS nhận trách nhiệm có thể làm mọi thứ chậm hơn nữa.

Nga đang thúc đẩy lực lượng của Assad di chuyển vào phía đông bắc, và đã nói với Thổ Nhĩ Kỳ rằng điều này sẽ làm giảm bớt những lo ngại của họ về sự hiện diện của người Kurd ở đó.