Thế giới

Tổng thống Pháp Macron lên kế hoạch họp khẩn vì cháy rừng

Mùa hè ác liệt ở châu Âu có thể chưa kết thúc, nhưng năm 2022 đã phá vỡ kỷ lục về các vụ cháy rừng ở “lục địa già”.

Tổng thống Emmanuel Macron có kế hoạch tổ chức các cuộc thảo luận về chiến lược phòng ngừa và ứng phó với cháy rừng ở Pháp khi quốc gia Tây Âu đang lao đao vì những đám cháy kinh hoàng.

Ông Macron sẽ gặp gỡ tại Điện Élysée các nhân viên cứu hỏa, nông dân, quan chức và những thành phần khác từ các vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trang Le Journal du Dimanche (JDD) đưa tin hôm 14/8, dẫn nguồn Văn phòng Tổng thống Pháp. Tuy nhiên, không rõ khi nào các cuộc họp sẽ diễn ra.

Ông Macron, người đang có kỳ nghỉ hè tại khu nghỉ dưỡng Fort Bregancon ở French Riviera, hôm 13/8 đã nói chuyện qua điện thoại với các nhân viên cứu hỏa và quan chức từ Jura, miền Đông nước Pháp, JDD cho biết.

Các nhà chức trách ở Gironde, một tỉnh ven biển với vùng đô thị Bordeaux nổi tiếng, nơi đã chứng kiến 7.400 ha rừng bị cháy kể từ đầu tuần trước, cho biết hôm 14/8 rằng đám cháy hiện đã được kiểm soát và lượng mưa qua đêm đã góp phần “đáng kể”.

Tuy nhiên, một đám cháy ở khu vực phía nam Aveyron đã bùng phát trở lại hôm 13/8, khiến các cuộc sơ tán tiếp tục diễn ra.

Các đội cứu hỏa và thiết bị từ 6 quốc gia thành viên EU, bao gồm Hy Lạp, Thụy Điển, Áo, Đức, Ba Lan và Romania, đã bắt đầu đến Pháp hôm 11/8 để giúp quốc gia Tây Âu này đối phó với vấn nạn cháy rừng.

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đến thăm một sở chỉ huy cứu hỏa gần địa điểm xảy ra cháy rừng ở Hostens, Tây Nam nước Pháp, ngày 11/8/2022. Ảnh: Euractiv

Mùa hè rực lửa ở châu Âu

Mùa hè ác liệt ở châu Âu có thể chưa kết thúc, nhưng năm 2022 đã phá vỡ kỷ lục về các vụ cháy rừng ở “lục địa già”, với gần 660.000 ha rừng bị tàn phá kể từ tháng 1, Hệ thống Thông tin về cháy rừng của châu Âu (EFFIS) cho biết.

Thông thường các quốc gia trên Địa Trung Hải là nơi xảy ra hỏa hoạn ở châu Âu, nhưng các quốc gia khác cũng đang chịu thiệt hại nặng nề trong năm nay.

Các vụ cháy rừng năm nay đã khiến nhiều người dân phải rời bỏ nhà cửa, phá hủy các tòa nhà và đốt cháy rừng ở các nước EU, bao gồm Áo, Croatia, Pháp, Hy Lạp, Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Dữ liệu từ EFFIS cho thấy, khoảng 659.541 ha rừng ở châu Âu đã bị phá hủy, mức cao nhất kể từ khi hệ thống này bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 2006.

Châu Âu đã phải hứng chịu hàng loạt các đợt nắng nóng, cháy rừng và hạn hán lịch sử mà các chuyên gia cho rằng nguyên nhân là do biến đổi khí hậu do hoạt động của con người gây ra.

Họ cảnh báo rằng các đợt nắng nóng thường xuyên hơn và dài hơn đang diễn ra.

Trong suốt gần 2 tuần vào tháng trước, hàng nghìn lính cứu hỏa đã phải vật lộn để dập tắt trận cháy rừng lớn nhất trong lịch sử hiện đại của Slovenia.

Một lính cứu hỏa Tây Ban Nha khóc khi đám cháy rừng khổng lồ đang tàn phá miền trung Tây Ban Nha, tháng 7/2022. Năm nay được coi là năm tồi tệ nhất về cháy rừng ở quốc gia Tây Nam châu Âu kể từ năm 2006. Ảnh: DW

Nhưng quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Tây Ban Nha, nơi hỏa hoạn đã thiêu rụi 244.924 ha rừng, theo số liệu của EFFIS, tiếp theo là Romania (150.528 ha) và Bồ Đào Nha (77.292 ha).

EFFIS sử dụng dữ liệu vệ tinh từ Dịch vụ Giám sát Khí quyển Copernicus (CAMS) của EU.

Dữ liệu được đưa ra sau khi CAMS cho biết hôm 12/8 rằng năm 2022 là năm kỷ lục về cháy rừng ở Tây Nam Âu, và cảnh báo rằng một phần lớn khu vực Tây Âu hiện đang ở trong tình trạng “cháy rừng cực kỳ nguy hiểm”.

Minh Đức (Theo Bloomberg, TRT World, Euractiv)