Thế giới

Tổng thống Pháp Macron kêu gọi Mỹ, Trung Quốc đóng góp công bằng

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đều sẽ vắng mặt ở Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới diễn ra trong 2 ngày 7-8/11.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 7/11 kêu gọi Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia giàu có khác ngoài châu Âu đóng góp tài chính một cách công bằng vào nỗ lực chung giúp các nước nghèo hơn đối phó với biến đổi khí hậu.

“Chúng ta cần Mỹ và Trung Quốc đẩy mạnh” trong việc cắt giảm lượng phát thải và hỗ trợ tài chính, ông Macron nói với các nhà vận động khí hậu của Pháp và châu Phi bên lề Hội nghị lần thứ 27 các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP27) đang diễn ra ở thành phố nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh của Ai Cập bên bờ Biển Đỏ.

“Người châu Âu đang đóng góp. Chúng tôi là những người duy nhất đóng góp”, nhà lãnh đạo Pháp nói. “Phải gây áp lực lên các quốc gia giàu có ngoài châu Âu, nói với họ rằng họ phải đóng góp một cách công bằng cho nỗ lực chung”.

Tăng cường hỗ trợ tài chính cho các quốc gia nghèo hơn đang phải đối mặt với gánh nặng của các thảm họa do khí hậu gây ra đã trở thành một vấn đề chính gây căng thẳng tại hội nghị khí hậu kéo dài 13 ngày, khai mạc hôm 6/11.

Lãnh đạo các quốc gia đang phát triển đã giành được một thắng lợi nhỏ khi các đại biểu đồng ý đưa vấn đề gây tranh cãi về tài chính bù đắp cho “tổn thất và thiệt hại” vào chương trình nghị sự.

Gần 100 nguyên thủ Quốc gia và người đứng đầu các chính phủ sẽ phát biểu tại hội nghị trong ngày 7-8/11, nhưng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không tham dự hội nghị và Tổng thống Joe Biden sẽ đến vào cuối tuần này sau khi kết thúc cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ vào ngày 8/11.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (ở giữa) gặp gỡ người trẻ châu Phi bên lề Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập, ngày 7/11/2022. Ảnh: Jakarta Post

Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong bối cảnh các quốc gia trên toàn thế giới đang phải đối mặt với những thảm họa thiên nhiên ngày càng khốc liệt đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người trong năm nay và gây thiệt hại hàng tỷ USD.

Tại lễ khai mạc hôm 6/11, các quan chức COP27 đã kêu gọi các chính phủ tiếp tục nỗ lực chống biến đổi khí hậu bất chấp các cuộc khủng hoảng kinh tế liên quan đến xung đột Nga-Ukraine, cuộc khủng hoảng năng lượng, lạm phát leo thang và đại dịch Covid-19 dai dẳng.

Thế giới phải cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính 45% vào năm 2030 để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức cuối thế kỷ 19.

Nhưng xu hướng hiện tại sẽ chứng kiến ô nhiễm các-bon tăng 10% vào cuối thập kỷ này và bề mặt Trái đất nóng lên 2,8 độ C, theo các phát hiện được công bố trong những ngày gần đây.

Chỉ 29 trong số 194 quốc gia đã trình bày các kế hoạch cải thiện khí hậu, như đã được kêu gọi tại hội nghị COP26 ở Glasgow (Anh) năm ngoái, Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu Simon Stiell cho biết tại một cuộc họp báo sau lễ khai mạc COP27.

Minh Đức (Theo Al-arabiya, RTE)