Thế giới

Tổng thống Mỹ sắp công bố dự án đối trọng với sáng kiến của ông Tập?

Dự án này là một trong những sáng kiến quan trọng mà Mỹ đang thúc đẩy ở Trung Đông khi ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực ngày càng tăng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) tới dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở New Delhi cuối tuần này hy vọng sẽ có thể công bố thỏa thuận về một dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ giúp tái cấu trúc thương mại giữa vùng Vịnh và Nam Á

Dự án nhằm kết nối các quốc gia Ả Rập ở Levant và vùng Vịnh thông qua mạng lưới đường sắt, và kết nối với Ấn Độ thông qua các tuyến vận chuyển từ các cảng trong khu vực.

Thông tin trên được trang Axios (Mỹ) đăng tải đầu tiên hôm 7/9. Theo các nguồn thạo tin của Axios, dự án cơ sở hạ tầng chung này dự kiến sẽ là một trong những vấn đề quan trọng mà ông Biden muốn trình bày tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra ở Ấn Độ vào ngày 9-10/9.

Dự án này là một trong những sáng kiến quan trọng mà Nhà Trắng đang thúc đẩy ở Trung Đông khi ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực ngày càng tăng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden lên chiếc Air Force One, ngày 7/9/2023, để khởi hành đi New Delhi (Ấn Độ) dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, sự kiện mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vắng mặt. Ảnh: The National News

Trung Đông là một phần quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) mang dấu ấn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tài trợ hàng trăm tỷ USD cho cơ sở hạ tầng tại các thị trường mới nổi. Hồi tháng 3, Bắc Kinh đã đứng ra làm trung gian cho một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa hai cường quốc đối địch trong khu vực là Ả Rập Xê-út và Iran.

Dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ do Mỹ dẫn dắt ra đời khi chính quyền Biden đang tìm kiếm một thỏa thuận ngoại giao rộng lớn hơn ở Trung Đông, với việc Ả Rập Xê-út bình thường hóa quan hệ với Israel. Một khi quan hệ giữa vương quốc Ả Rập hàng đầu này và Israel hòa dịu, quốc gia Do Thái cũng có thể tham gia dự án đường sắt và mở rộng phạm vi tiếp cận tới châu Âu thông qua các cảng biển của họ.

Ngoài ý nghĩa ngoại giao, các quan chức Mỹ mà hãng tin Reuters tiếp cận được cho biết, họ hy vọng một thỏa thuận cơ sở hạ tầng như vậy có thể giúp giảm thời gian và chi phí vận chuyển, khiến thương mại trở nên nhanh hơn và rẻ hơn.

Nhà Trắng từ chối bình luận, Axios cho biết, lưu ý rằng trong một tuyên bố trước khi ông Biden lên đường tới Ấn Độ, các quan chức cho biết Tổng thống Mỹ sẽ tham gia sự kiện “Hợp tác vì Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu” vào ngày 9/9.

Một quan chức Mỹ tham gia đàm phán cho biết các cuộc đàm phán vẫn đang được tiến hành, và có thể hoặc không thể mang lại kết quả cụ thể kịp thời để đưa ra thông báo bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ.

Đại sứ quán Ấn Độ và Ả Rập Xê-út tại Washington đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Axios. Các quan chức UAE từ chối bình luận.

Minh Đức (Theo Axios, Reuters)