Thế giới

Tổng thống Mỹ bị phản ứng vì sang Nhật giữa khủng hoảng nợ công

Tổng thống Joe Biden đã quyết định sang Nhật để dự hội nghị nhóm G7 khi các cuộc đàm phán về trần nợ bắt đầu cho thấy những dấu hiệu tích cực.

Mặc dù ông Biden đã thông báo hủy bỏ chuyến thăm sang Papua New Guinea và Úc để trở lại Washington và tiếp tục đàm phán với các nhà lãnh đạo quốc hội vào ngày 21/5, ông vẫn bị các nhà lập pháp đã chỉ trích vì bỏ cuộc giữa chừng.

“Chúng ta đang trên bờ vực vỡ nợ. Và chúng tôi đã nhìn thấy những chiếc trực thăng đi ngang qua đây. Tôi nghĩ ông ấy sẽ sang Nhật Bản ngay bây giờ, và tôi chỉ muốn hét lên “Dừng lại, hãy dừng lại!”, thượng nghị sĩ Shelley Moore Capito cho biết tại cuộc họp báo ở Đồi Capitol ngày 17/5.

Bà Capito chỉ trích vị tổng thống vì ông luôn tự hào là một nhà đàm phán giỏi, nhưng lại không chịu đàm phán với các đảng viên Cộng hòa ngay từ đầu tháng 2 mà đợi đến tuần trước mới bắt đầu gặp mặt họ.

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cũng cho rằng ông Biden không nên thực hiện chuyến đi này. “Tôi nghĩ nước Mỹ muốn một tổng thống Mỹ tập trung vào các vấn đề của Mỹ”, vị đảng viên Đảng Cộng hòa cho biết.

Nhà Trắng nói gì?

Nhà Trắng đã bác bỏ những lời chỉ trích của đảng Cộng hòa về việc ông Biden hoàn toàn rời khỏi Washington, nhấn mạnh tầm quan trọng của G-7.

Tổng thống Joe Biden vẫy tay chào trước khi lên đường tới Hiroshima, Nhật Bản để tham dự hội nghị nhóm G7. Ảnh: Sydney Morning Herald

“Một trong những trách nhiệm của một tổng thống Mỹ là lãnh đạo chúng ta trên trường quốc tế, điều cực kỳ quan trọng và then chốt. Trong nước cũng có những vấn đề quan trọng, nhưng cũng có những vấn đề quốc tế mà tổng thống phải đảm nhận”, theo thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre.

Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã ủng hộ quyết định hủy bỏ chặng thứ hai của chuyến đi. “Khi chúng tôi chuẩn bị cất cánh, Tổng thống đã quyết định sẽ quay lại Washington vào những ngày cuối cùng trước hạn chót để đảm bảo Mỹ không rơi xuống vực”, ông Sullivan cho biết.

“Tổng thống tự tin rằng chúng ta có thể tránh vỡ nợ, nhưng lý do ông ấy quay lại là để đảm bảo điều đó chắc chắn sẽ xảy ra”, ông Sullivan khẳng định.

Ông Biden đã cử Phó Tổng thống Harris cập nhật thông tin cho các phóng viên về tình hình đàm phán. Ngoài ra, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Lael Brainard cũng sẽ tham gia khi Tổng thống ở nước ngoài. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa thể khiến các nhà lập pháp đảng Cộng hòa hài lòng. 

“Mỹ có thể vỡ nợ sớm nhất vào ngày 1/6 tức chỉ còn 16 ngày nữa. Thế mà Tổng thống Biden vẫn lên kế hoạch lên máy bay sang Nhật Bản được”, Thượng nghị sĩ John Cornyn chỉ trích.  

Trong khi đó, một số đảng viên Dân chủ cũng lên tiếng bênh vực quyết định rời đi của ông Biden. “Tôi không nghĩ ông ấy cần phải ngồi trong phòng đàm phán. Ông ấy là người dẫn dắt những người trong phòng đàm phán, nhưng vẫn có thể làm điều đó qua Zoom hoặc qua điện thoại. Ông ấy còn phải quan tâm đến rất nhiều chuyện đang diễn ra trên thế giới”, Thượng nghị sĩ Jon Tester cho biết.  

“Tổng thống Biden có cuộc họp với nhóm G7. Đây là nỗ lực nhằm thiết lập an ninh toàn cầu, nên đó là một ưu tiên rất cao”, theo thượng nghị sĩ Dick Durbin, đảng viên đảng Dân chủ.

Lý lẽ của ông Biden

Trước khi máy bay cất cánh, ông Biden đã đưa ra những nhận xét bất ngờ rằng các nhà lãnh đạo có thể đạt được một thỏa thuận trước khi Mỹ lâm vào cảnh vỡ nợ vào ngày 1/6.

Tổng thống cũng cho biết việc rút ngắn chuyến đi để trở về vào ngày 21/5. Sự vắng mặt của ông đã khiến một sự kiện quốc tế khác là hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo nhóm Bộ Tứ (Quad, bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản) bị hủy.

Hội nghị ở Sydney đánh dấu một thời điểm quan trọng để ông Biden thúc đẩy quan hệ với Úc, Ấn Độ và Nhật Bản nhằm tạo ra một đối trọng với Trung Quốc.

Theo ông Biden, việc bỏ qua hội nghị thượng đỉnh Nhóm G7 tại Nhật Bản vào tuần này chỉ nên là lựa chọn cuối cùng, và có thể gửi tín hiệu sai cho cả các thành viên đảng Cộng hòa và các đồng minh nước ngoài.

 “Ông Joe Biden luôn trốn tránh khỏi những cuộc khủng hoảng mà các chính sách của ông ấy gây ra, dù là khủng hoảng biên giới, khủng hoảng năng lượng hay khủng hoảng nợ”, lãnh đạo đảng Cộng hòa Elise Stefanik chỉ trích. Ảnh: rollcall.com

Tuy nhiên, ngay cả khi các chuyến thăm của ông tới Nhật Bản, Papua New Guinea và Úc diễn ra, thì nguy cơ vỡ nợ của Mỹ vẫn sẽ che mờ những nỗ lực của ông Biden nhằm vun đắp các mối quan hệ quan trọng và khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ.

Các trợ lý cho biết, nếu ông Biden bỏ qua hội nghị G7 tuần này, ông vẫn có thể vẫn tham gia trực tuyến. G7 đã gặp nhau theo cách đó nhiều lần trong suốt cuộc xung đột ở Ukraine mà vẫn đạt kết quả. Nhưng ông Biden lại coi trọng tương tác trực tiếp, đặc biệt là với các nhà lãnh đạo cấp cao như những người tụ họp ở Hiroshima vào cuối tuần này.

Một số trợ lý của Biden lo lắng rằng việc từ bỏ kế hoạch du lịch để ở lại Washington có thể giống như một sự nhượng bộ đối với các thành viên đảng Cộng hòa, những người đang yêu cầu đàm phán chi tiêu để đổi lấy việc nâng trần nợ quốc gia.

Cũng có người thắc mắc liệu những thông điệp nào sẽ được gửi đến các nhà lãnh đạo thế giới, những người đang quan sát sự bế tắc về trần nợ từ xa và âm thầm lo lắng về sự ổn định chính trị của Mỹ. Theo các quan chức Nhà Trắng, việc không thực hiện các nghĩa vụ của Mỹ sẽ gây ra những tác động tai hại vượt ra ngoài các mối quan tâm về kinh tế.

Nguyễn Tuyết (Theo CNN, The Hill)