Toàn cảnh

Tổng thống Macron bị nghi bí mật thay màu quốc kỳ Pháp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được cho là đã thay đổi một trong những màu trên quốc kỳ Pháp. Ông chọn màu xanh hải quân đậm thay cho màu xanh sáng hơn trước đó.

Đài truyền hình Europe 1 của Pháp và báo Le Parisien đưa tin, Tổng thống Emmanuel Macron đã bí mật quyết định làm cho màu xanh lam trong quốc kỳ "tam sắc" của Pháp đậm hơn một chút.

Quyết định này không được thông báo công khai. France.info tiết lộ thêm, ông Macron suy nghĩ về việc thay đổi màu quốc kỳ từ tháng 6 năm ngoái với việc quốc kỳ Pháp nền xanh hải quân đã được treo tại Điện Élysée mà không có bất kỳ động thái báo trước nào.

Quốc kỳ mới của Pháp (phải) với màu xanh hải quân đậm xuất hiện trong chuyến thăm của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: AFP.

Theo đài Europe 1, một phần lý do cho quyết định này đến từ việc Tổng thống Pháp muốn phổ biến trở lại quốc kỳ màu xanh hải quân, biểu tượng một thời của Cách mạng Pháp.

Kể từ những năm 1970, quốc kỳ Pháp có màu xanh sáng hơn. Ảnh: AFP.

Thực tế, hai loại quốc kỳ Pháp với màu xanh đậm và nhạt đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ qua. Lực lượng hải quân và nhiều tòa nhà chính quyền của nước này vẫn duy trì việc sử dụng loại quốc kỳ có màu xanh đậm.

Nhưng từ năm 1976, dưới thời cố Tổng thống Valéry Giscard d'Estaing, Chính phủ Pháp đã giới thiệu loại quốc kỳ mới với màu xanh sáng hơn, nhằm ăn khớp với màu xanh lam trên cờ của Liên minh châu Âu (EU).

Theo Europe 1, quyết định này một phần mang yếu tố thẩm mỹ, vì các lá cờ của Pháp và EU thường bay cạnh nhau ở rất nhiều địa điểm.

Điện Élysée không thông báo công khai về việc đổi màu cờ cũng như chưa ban hành sắc lệnh nào buộc các cơ quan nhà nước khác phải làm điều tương tự. Dù vậy, theo báo cáo đã xuất hiện các ý kiến không đồng tình với quyết định này của vị Tổng thống.

Những ý kiến này cho rằng, màu xanh hải quân khiến lá cờ trở nên kém thẩm mỹ và sẽ tương phản với màu cờ của Liên minh châu Âu. Trong khi đó, một số người khác hoài niệm về phiên bản quốc kỳ Pháp trước năm 1976.

Tuy nhiên, tất cả những người có liên quan đều nhấn mạnh, sự thay đổi này không nên được hiểu là một động thái ngầm đối kháng với EU, nhất là khi Pháp sẽ đảm nhận vai trò chủ tịch của EU vào tháng 1/2022.

Minh Hoa (t/h theo Tuổi Trẻ, Lao Động)