Thế giới

Nỗ lực của Tổng thống Biden trong chuyến công du Trung Đông đầu tiên

Ông Biden đến Ả Rập Xê-út với mong đợi đạt được thỏa thuận về sản xuất dầu, giúp "hạ nhiệt" giá nhiên liệu đã đẩy lạm phát Mỹ lên mức cao nhất trong hơn 40 năm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nước Ả Rập theo thể thức GCC + 3 (6 quốc gia vùng Vịnh Ba Tư và Ai Cập, Jordan, Iraq) tại thành phố Jeddah, Ả Rập Xê-út, vào ngày 15-16/7 vừa qua. Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh Ba Tư (GCC) bao gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả Rập Xê-út và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). 

Tổng thống Joe Biden đến Ả Rập Xê-út với mong đợi đạt được thỏa thuận về sản xuất dầu, giúp "hạ nhiệt" giá xăng dầu đã đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong vòng hơn 40 năm tại Mỹ. Ông Biden cũng tìm cách mở ra một chương mới trong sự hiện diện của Mỹ ở Trung Đông, với hy vọng xóa bỏ những xung đột quân sự đã qua của Mỹ và thay vào đó sẽ thúc đẩy phát triển một khu vực tôn trọng các vấn đề đối nội của từng quốc gia.

Tổng thống Biden tuyên bố Mỹ sẽ vẫn là một đối tác tích cực, gắn bó ở Trung Đông với các nhà lãnh đạo tham dự tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh và Phát triển Jeddah. Tổng thống Biden cũng cho biết Mỹ cam kết đảm bảo Iran không bao giờ có vũ khí hạt nhân.

"Mỹ đầu tư để xây dựng một tương lai tích cực trong khu vực với sự hợp tác của tất cả các vị, Mỹ sẽ không đi đâu cả", Tổng thống Biden phát biểu với các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh.

Quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Biden đã thảo luận về an ninh năng lượng với các nhà lãnh đạo của các quốc gia sản xuất dầu vùng Vịnh, tuy nhiên không có khả năng có bất kỳ thông báo song phương nào từ những cuộc đàm phán, hãng Reuters đưa tin.

Các nhà lãnh đạo chụp ảnh tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh và Phát triển Jeddah (GCC + 3) ở thành phố Jeddah, Ả Rập Xê-út diễn ra hôm 15-16/7/2022. Ảnh: AFP.

Phát biểu tại cuộc gặp gỡ song phương với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại thành phố Jeddah (Ả Rập Xê-út) hôm 16/7, Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman cho biết các công nghệ năng lượng sạch và nhiên liệu hóa thạch cần được tăng cường đầu tư nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu toàn cầu. Thái tử nhấn mạnh việc đưa ra các chính sách phát thải không thực tế sẽ dẫn đến mức lạm phát cao chưa từng có.

Thái tử Mohammed tuyên bố: "Việc áp dụng các chính sách không thực tế nhằm giảm lượng khí thải bằng cách loại bỏ các nguồn năng lượng chính sẽ dẫn đến lạm phát cao chưa từng có, khiến giá năng lượng tăng cao, thất nghiệp gia tăng cũng như các vấn đề xã hội và an ninh ngày càng trở nên trầm trọng".

Thái tử Mohammed, người giữ vai trò quan trọng trong Chính phủ quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, cho biết trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và "tình hình địa chính trị", các quốc gia cần có nhiều nỗ lực chung hơn để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu. Việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng bền vững đòi hỏi cách tiếp cận "thực tế và có trách nhiệm".

Thái tử cho biết Ả Rập Saudi chia sẻ dự kiến nâng công suất sản xuất dầu lên 13 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2027, từ mức công suất 12 triệu thùng mỗi ngày hiện nay và "sau đó Vương quốc sẽ không còn khả năng nâng thêm sản lượng nữa".

Hãng tin Alarabiya nhận định trong chuyến công du Trung Đông chính thức đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Biden sẽ trắng tay rời khỏi khu vực. Ông Biden hy vọng những nỗ lực ngoại giao của mình tại đây sẽ thúc đẩy nhóm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC +) đẩy mạnh sản xuất trong cuộc họp sắp tới của nhóm vào ngày 3/8. Tổng thống Joe Biden chia sẻ: “Tôi mong đợi được chứng kiến điều gì sẽ xảy ra trong những tháng tới".

Phạm Hà Thanh (theo Reuters, Alarabiya News)