Sự kiện

TT Mỹ Biden cùng lúc xung đột gay gắt với cả Trung Quốc và Nga

Ông Biden đã khiến Nga phật ý vì câu nói bất ngờ. Còn với Trung Quốc, cuộc đối thoại cấp cao giữa hai bên ở Alaska đã kết thúc rất căng thẳng.

Mồi lửa mới trong quan hệ Mỹ - Nga

Căng thẳng trong quan hệ Nga - Mỹ leo thang bắt nguồn từ phát ngôn của cá nhân nhà lãnh đạo Mỹ.

Theo báo Thanh niên, ông Putin và ông Biden đều giàu kinh nghiệm trên chính trường, nhưng đây là năm đầu tiên ông Biden là tổng thống Mỹ, trong khi ông Putin đã làm lãnh đạo nước Nga hơn 20 năm nay. Không rõ vô tình hay hữu ý mà ông Biden hôm 16/3 đưa ra bình luận gây sốc về người đồng cấp Nga như “kẻ sát nhân” hay “không có tình người”.

Phát ngôn của ông Biden chẳng khác nào “châm dầu vào lửa” cho sự giận dữ từ Moscow.

Ông Putin đáp lại bằng câu nói cũng đầy ám chỉ khi cho rằng ông Biden “suy bụng ta ra bụng người”, và muốn nhà lãnh đạo Mỹ tranh luận trực tiếp với mình trên sóng truyền hình. Bạn đồng hành nhiều năm của ông Putin, Phó chủ tịch Hội đồng an ninh - cựu Tổng thống Dmitry Medvedev, thì nhận xét những gì ông Biden nói về ông Putin có lẽ do lãnh đạo Mỹ đã già yếu.

Điện Kremlin bác bỏ mọi cáo buộc từ Washington, cũng nói rõ phát ngôn của tổng thống Mỹ là tồi tệ và chưa có tiền lệ, nhưng vẫn mở ra nhiều cánh cửa cho đối thoại. Washington đã khước từ đề nghị nói chuyện từ ông Putin, nhưng Moscow vẫn nói có thể đối thoại bất kỳ khi nào thuận tiện cho ông Biden, theo TASS.

Có thể thấy, cách phản ứng của Nga có phần “nhẹ dịu”, trong khi Mỹ lại liên tiếp đưa thêm cảnh báo. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định ông Biden chẳng hề hối tiếc về những điều đã nói.

Theo TTXVN, dù tranh cãi gay gắt nhưng cả ông Biden và Putin đều là hai lãnh đạo kinh nghiệm, hoàn toàn ý thức được về các rủi ro chiến lược khi xảy ra đối đầu giữa hai nước lớn.

Trong cuộc phỏng vấn với ABC, Tổng thống Biden cũng thể hiện quan điểm thực dụng trong chính sách Nga-Mỹ, nói rằng mặc dù sẵn sàng đối đầu với ông Putin nhưng vẫn muốn tìm kiếm các lĩnh vực mà hai bên có lợi ích chung để hợp tác. Ông đề cập tới gia hạn hiệp ước hạt nhân START mới khi nhậm chức được vài tuần.

Trước cuộc xung đột hiện nay, Mỹ đã cáo buộc cơ quan tình báo nước ngoài Nga đứng sau vụ xâm nhập mạng các công ty tư nhân và một số cơ quan chính phủ Mỹ. Mỹ cũng công khai ủng hộ thủ lĩnh đối lập Alexey Navalny và cáo buộc Nga đầu độc ông này. Chính quyền của ông Biden còn phản đối Nga sáp nhập Crimea, cam kết khôi phục sức mạnh liên minh NATO.

Trung Quốc, Mỹ "khẩu chiến" dữ dội tại đối thoại Alaska

Cùng lúc xung đột với Nga, các quan chức Mỹ và Trung Quốc cũng vừa kết thúc cuộc đối thoại căng thẳng theo thể thức 2+2 tại Alaska.

Cùng lúc xung đột với Nga, các quan chức Mỹ và Trung Quốc cũng vừa kết thúc cuộc đối thoại căng thẳng theo thể thức 2+2 tại Alaska.

CNN nhận định các cuộc họp giữa nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc chưa bao giờ thể hiện công khai những điều không hài lòng về nhau như ở Alaska. Điều đó cho thấy căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc trong bảo vệ vị trí đứng đầu toàn cầu.

Hai bên đã có những màn đối đáp, chỉ trích lẫn nhau ngay trước ống kính truyền hình, bỏ qua những nguyên tắc ngoại giao thường thấy ở những cuộc gặp cấp cao như vậy.

Cuộc đối thoại căng thẳng ngay từ đầu sau khi quan chức Mỹ nói rõ rằng cuộc gặp ngày 18/3 này chỉ để thông báo với Trung Quốc rằng Tổng thống Biden định tiếp nối chính sách của cựu Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc: công khai cạnh tranh.

Ngoại trưởng Blinken bình luận Bắc Kinh cần phải trở lại với hệ thống dựa trên nền tảng luật lệ, chỉ trích Trung Quốc vi phạm các nguyên tắc quốc tế, tấn công mạng nhằm vào Mỹ cũng như những hành động của Bắc Kinh với các đồng minh của Mỹ.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định Washington không tìm kiếm xung đột với Bắc Kinh, nhưng sẽ sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa hai cường quốc mà ở đó Mỹ sẽ luôn theo sát những nguyên tắc vì lợi ích của người dân Mỹ và các nước bạn bè, đồng minh.

Về phần mình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì đáp lời bằng bài trình bày chỉ trích Mỹ kéo dài, mà riêng việc phiên dịch sau đó phải mất đến 17 phút.

Ông Dương Khiết Trì cáo buộc chính Mỹ đang sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để gây sức ép với các nước khác, đồng thời lạm dụng an ninh quốc gia để đe dọa tương lai thương mại quốc tế. Ông khẳng định Trung Quốc sẽ kiên quyết phản đối Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của nước này, song vẫn bày tỏ hy vọng hai bên sẽ không xảy ra xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng.

Phái đoàn Trung Quốc dẫn đầu bởi Ngoại trưởng Vương Nghị và ông Dương Khiết Trì (ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc) phát biểu trong phiên khai mạc đối thoại Mỹ - Trung ở Anchorage, Alaska, Mỹ ngày 18/3. (Ảnh: REUTERS)

Cuộc đối thoại Mỹ - Trung diễn ra sau khi ông Joe Biden lên nắm quyền hai tháng, được hiểu là một dịp để hai bên trao đổi quan điểm về các vấn đề lớn, do đó giới quan sát không chờ đợi bất cứ thỏa thuận hay hiệp định nào sẽ được ký kết tại sự kiện này.

Ông Joe Biden lên nắm quyền trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đã rất căng thẳng dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump. Và cho tới nay có thể thấy những tín hiệu ông sẽ không thay đổi lập trường cứng rắn của chính quyền trước với Trung Quốc.

Rủi ro của Mỹ

Báo Tin tức lược dịch tin tức trên CNN, một bài học về chính sách đối ngoại Mỹ trong những thập kỷ gần đây là những gì được ấp ủ ở Washington thường không thể sống sót trong thế giới thực. Vì thế, kế hoạch của ông Biden có thể gặp một số rủi ro.

Qua những gì thể hiện ở Alaska, căng thẳng với Trung Quốc có thể xóa tan hy vọng của Mỹ về hợp tác với Bắc Kinh trong các vấn đề như chống biến đổi khí hậu tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu ở Scotland năm nay.

Ngoài ra, không có gì đảm bảo đồng minh của Mỹ sẽ đi theo chiến lược của ông Biden. Nhiều nước tỏ ra hoài nghi Mỹ khi trong những thập kỷ gần đây, nước này lúc thì xoay trục về châu Á, lúc lại quay đi chỗ khác. Các nước Liên minh châu Âu cũng không thể hiện rõ có muốn chọn Mỹ hay Trung Quốc hay không. Chỉ biết rằng ngay trước khi ông Biden nhậm chức, EU đã ký thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.

H.H (tổng hợp)