Tài chính - Ngân hàng

Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn: Từ người lính 30 năm làm dầu khí đến lãnh đạo "3 trong 1"

Sau hơn 30 năm gắn bó với ngành dầu khí, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn đã trải qua hàng loạt chức vụ tại các công ty con và tập đoàn Dầu khí Việt Nam, thậm chí từng nắm trong tay hai chức vụ cao nhất cùng lúc - Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn.

Lãnh đạo "3 trong 1"

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn - Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có đơn xin từ chức gửi Hội đồng thành viên tập đoàn này. Lá đơn của ông Sơn được gửi từ nhiều ngày trước, nhưng tới hôm qua (12/3) Hội đồng thành viên PVN mới họp và đồng ý xét đơn của ông Sơn. 

Theo trình tự thủ tục, việc ông Sơn có được thôi chức vụ Tổng giám đốc PVN hay không cần sự chấp thuận của cơ quan chủ quản - Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Thủ tướng xem xét, quyết định. 

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn công tác trong ngành dầu khí hơn 30 năm và được đánh giá là một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác và phát triển mỏ.

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn (bên phải) nhậm chức Tổng giám đốc PVN tháng 3/2016.

Từ tháng 7/2009 đến đầu tháng 2/2012, ông Sơn làm Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), sau đó làm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam kiêm thành viên Hội đồng quản trị.

Tháng 3/2016, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn chính thức nhậm chức Tổng giám đốc PVN. 

Tháng 3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định cho thôi chức vụ Chủ tịch HĐTV đối với ông Nguyễn Quốc Khánh để ông về nhận nhiệm vụ tại Bộ Công Thương. Tại thời điểm này, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn được giao Phụ trách HĐTV thay cho ông Khánh, kiêm Tổng Giám đốc PVN.

Ngày 27/12/2017, ông Trần Sỹ Thanh, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN. Cũng kể từ đó, ông Sơn thôi phụ trách HĐTV Tập đoàn và chỉ còn giữ chức Tổng Giám đốc PVN đến thời điểm hiện tại.

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc PVN trong bối cảnh ngành dầu khí Việt Nam đang đối mặt với các khó khăn là giá dầu thô thế giới xuống thấp kỷ lục.

Cả 5 lĩnh vực hoạt động của tập đoàn đều gặp thách thức lớn. Nhiều đơn vị như PVEP, VSP đang mất cân đối dòng tiền, các đơn vị dịch vụ chủ yếu PVD, PTSC, DMC… cũng đang gặp khó khăn do khối lượng công việc giảm mạnh trên 50-60%. Lĩnh vực khâu sau như lọc dầu, đạm, điện cũng sụt giảm doanh thu và lợi nhuận

Chậm xử lý sai phạm

Là lãnh đạo “3 trong 1”, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV, Phó Bí thư Đảng ủy phụ trách, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn có rất nhiều thuận lợi trong quản lý, lãnh đạo nhưng không hiểu vì “vướng gì”, ông này vẫn hết sức chậm trễ trong xử lý một số sai phạm.

Trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ, PVN chiếm tới 5 dự án nhưng suốt nhiều năm qua, lãnh đạo Tập đoàn vẫn không hoàn thành nhiệm vụ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ từng phê bình gay gắt ông Nguyễn Vũ Trường Sơn

Tháng 7/2017, trong cuộc họp triển khai ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, yếu kém của ngành Công Thương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hỏi Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn: “Tại sao dự án đạm Ninh Bình dừng sớm hơn, tình trạng kỹ thuật kém hơn nhiều mà họ có chuyển biến, còn các dự án của PVN thì không “nhúc nhích”? Các anh có làm được không?”;  “Các anh có phân công cụ thể ai phụ trách dự án nào hay không? Tại sao cùng khó khăn như thế mà các đơn vị khác họ làm được còn các anh thì không làm được? Làm được hay không làm được thì các anh nói cho rõ, ai là người chịu trách nhiệm ở đây? Anh Sơn hay là ai? Nhà máy ở Dung Quất, tôi vào đó kiểm tra hồi trước Tết âm lịch các anh nói là chạy lại dễ như trở bàn tay, nhưng nay đã 6 tháng trôi qua có thấy nhúc nhích gì không?”.

Ông Sơn sau đó có trả lời báo chí rằng việc xử lý đối với các dự án ngành dầu khí trong suốt thời gian qua gần như "chưa được triển khai". Mọi hoạt động mới chỉ dừng lại ở tranh luận, thảo luận nên dẫn tới kết quả xử lý “chưa có chuyển biến gì”.

Cũng xung quanh công tác quản lý của Tập đoàn, cơ quan chức năng đã yêu cầu xem xét, làm rõ một số vấn đề xung quanh các dự án tại Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí PVEP như: Hai dự án đầu tư ra nước ngoài gồm dự án dầu khí Junin 2 (tại Venezuela) và dự án khai thác dầu tại lô 67 và lô 39 ở Peru gây thiệt hại rất lớn cho ngân sách; việc chuyển nhượng khách sạn Thái Bình với giá trị 111 tỷ đồng nhưng thu hồi tiền rất chậm; vụ chuyển nhượng tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 2…

Tại phiên tòa xét xử đại án OceanBank vừa qua cho thấy, Cơ quan CSĐT đã có căn cứ để khởi tố 3 doanh nghiệp thuộc PVN nhận tiền chi lãi ngoài gồm VietsovPetro, Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và PVEP. Riêng số tiền cần làm rõ PVEP có nhận hay không là 76 tỷ đồng.

Giai đoạn ông Sơn làm Tổng giám đốc PVEP, doanh nghiệp này triển khai nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài, một trong số đó là dự án khai thác dầu nặng Junin 2 tại Venezuela. 

Theo tin mới nhất, ngày 13/3, cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an (C03) đã có văn bản gửi PVN về việc xác minh, thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan tới dự án này.

Theo đó, bộ Công an đang điều tra, xác minh một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc thực hiện dự án đầu tư liên doanh phát triển khai thác và nâng cấp dầu khí lô Junin 2 tại Venezuela của Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam.

Báo Lao động thông tin, theo giấy chứng nhận đầu tư được Bộ Kế hoạch & Đầu tư cấp năm 2012, giai đoạn 1 (2010-2015), PVEP rót khoảng 1,82 tỷ USD vào dự án này. Theo tính toán ban đầu, công suất khai thác giai đoạn 1 của dự án đạt 50.000 thùng dầu một ngày, giai đoạn 2 nâng lên 200.000 thùng dầu một ngày.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, PVN đã bỏ ngoài tai những khuyến cáo của các chuyên gia, đồng thời chuyển hàng trăm triệu USD vào dự án. Đến tháng 4/2013, ban lãnh đạo mới của PVN đã quyết định bỏ dự án này để "cứu" khoản tiền phải nộp lên đến 142 triệu USD, chấp nhận bỏ hơn 500 triệu USD đã nộp cho Venezuela mà chưa thu được giọt dầu nào.

Đình Văn (Tổng hợp)