Kinh tế vĩ mô

Tổng cục Thuế: Thu ngân sách 4 tháng cuối năm tiềm ẩn nhiều khó khăn

Dịch Covid-19 ảnh hưởng tới công tác thu của ngành thuế trong tháng Tám, dự kiến công tác thu ngân sách những tháng cuối năm còn nhiều thách thức.

Tại hội nghị giao ban trực tuyến của bộ Tài chính ngày 7/9, ông Cao Anh Tuấn - Tổng Cục trưởng tổng cục Thuế cho biết, số thu ngân sách tháng Tám cho thấy tác động nặng, toàn diện của dịch Covid-19 đến hầu hết hoạt động của nền kinh tế và số thu ngân sách.

Số thu tháng 8 giảm mạnh ở hầu hết các sắc thuế

Theo tổng cục Thuế, thu ngân sách tháng 8/2021 đạt 68.852 tỷ đồng, bằng 6,2% dự toán và bằng 91,5% so với cùng kỳ năm 2020. 

Tổng thu tháng Tám so với tháng Năm và tháng Sáu (là các tháng có cùng điều kiện thu - không phải kỳ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp) chỉ bằng 78,2% và 84%, tương ứng số thu khoảng 19.200 tỷ đồng và 13.100 tỷ đồng.

Ông Cao Anh Tuấn - Tổng Cục trưởng tổng cục Thuế (bộ Tài chính).

Cụ thể, số thu giảm mạnh ở hầu hết các sắc thuế chính, so sánh với số thu bình quân 7 tháng đầu năm như: Thuế giá trị gia tăng đạt 57%, thuế tiêu thụ đặc biệt đạt 59,5%, thuế thu nhập cá nhân đạt 60%, thuế bảo vệ môi trường đạt 3.800 tỷ đồng, bằng 72%.

Đặc biệt, số thu lệ phí trước bạ tháng Tám chỉ đạt 970 tỷ đồng, mức thấp đột biến kể từ tháng 1/2020, thấp hơn mức bình quân 7 tháng đầu năm - trên 2.300 tỷ đồng. .

Nếu tính theo khu vực kinh tế, số thu thuế tháng Tám từ 3 khu vực kinh tế chỉ đạt 24.700 tỷ đồng, bằng 43% so với số thu bình quân 7 tháng đầu năm.

Trong đó, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực công thương nghiệp dịch vụ ngoài quốc doanh chỉ đạt lần lượt là 60%, 41%, 35,7%. Tỷ lệ này cho thấy khu vực ngoài quốc doanh chịu tác động nặng nhất từ đại dịch Covid-19.

Đáng chú ý, riêng 23 địa phương đang thực hiện giãn cách có tỷ trọng thu thực hiện tháng 8 chỉ chiếm 55,6% tổng thu (giảm trên 10% so với thực hiện 7 tháng).

Nợ thuế tăng cao

Với diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, khó đoán, Tổng Cục trưởng tổng cục Thuế nhận định dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp mà còn gây khó khăn lớn cho công tác quản lý thuế.

Trong đó, công tác thanh tra kiểm tra gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, đặc biệt tại 23 tỉnh đang thực hiện giãn cách, công tác thanh tra, kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp gần như đóng băng. Việc kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế cũng bị hạn chế bởi thực hiện giãn cách, các đơn vị cũng hạn chế cán bộ công chức làm việc tại cơ quan.

Thu ngân sách trong những tháng cuối năm tiềm ẩn nhiều rủi ro. (Ảnh minh họa)

Về công tác thu nợ thuế, 8 tháng đầu năm, toàn ngành thuế đã thực hiện thu hồi nợ đọng đạt 20.900 tỷ đồng, đạt 69,4% chỉ tiêu thu nợ giao. 

Tuy nhiên, tổng số nợ thuế của toàn ngành vẫn tăng. Số nợ thuế tăng cao chủ yếu do ảnh hưởng bởi các đợt bùng phát dịch Covid-19 với diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội dẫn đến người nộp thuế gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến công tác thu hồi nợ thuế.

Tổng Cục trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, với diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, khó đoán như hiện nay thì công tác thu ngân sách trong những tháng cuối nắm sẽ còn rất nhiều thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trong thời gian tới, tổng cục Thuế sẽ chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch Covid-19 tại từng địa bàn và tiến độ thu ngân sách tương ứng. Qua đó, kịp thời đánh giá, phân tích cụ thể, đề xuất với các cơ quan chức năng các giải pháp thu hiệu quả, phù hợp với thực tế tại các địa phương.

Tháng 9/2021, tổng cục Thuế sẽ tập trung hoàn thành để trình Bộ xem xét ký ban hành Thông tư hướng dẫn chung về quản lý thuế; Thông tư hướng dẫn thu cổ tức, lợi nhuận còn lại; Thông tư hướng dẫn về hóa đơn, chứng từ; Thông tư hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng; tiếp tục tập trung thực hiện đề án về hóa đơn điện tử theo tiến độ và lộ trình.

Xây dựng kế hoạch triển khai kết nối cung cấp thông tin cá nhân qua sàn giao dịch thương mại điện tử; chỉ đạo, triển khai các biện pháp tăng cường công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng, tập trung những lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro cao trong hoàn thuế, qua đó góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.