Bạn đọc viết

Tổng cục Du lịch "xin" vé máy bay đi công tác: Kích cầu sao lại muốn miễn phí?

Sau khi vội vàng rút lại quy định cấm du khách chia sẻ thông tin về dịch bệnh, Tổng cục Du lịch lại khiến dư luận dậy sóng bằng một công văn khác “xin” mấy trăm vé máy bay cho đoàn công tác.

Với lý do… kích cầu du lịch nội địa, một văn bản gửi do ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch ký, đề nghị 3 hãng hàng không (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways) cung cấp 400 vé miễn phí các chặng bay nội địa cho các đoàn công tác của đơn vị này đang gây xôn xao dư luận.

Điều này khiến dư luận rất khó hiểu, bởi chi phí công vụ thuộc về phạm vi của ngân sách Nhà nước. Vậy sao lại đề nghị doanh nghiệp… phục vụ bằng mệnh lệnh hành chính. Nói là “đề nghị” nhưng nếu doanh nghiệp không “nhiệt tình” thì nhìn mặt nhau thế nào? Mà hình như ai cũng hiểu, không chịu "bôi trơn" thì trục trặc đủ đường.

Văn bản của Tổng cục Du lịch khiến dư luận bàn tán.

Chưa kể rằng, tổng số công chức viên chức của Tổng cục Du lịch là bao nhiêu, trong năm nay sẽ đi bao nhiêu đoàn công tác mà lại “xin” hàng trăm vé như thế? Thậm chí, kế hoạch và chương trình công tác đã được cấp trên thông qua hay chưa?

Và cuối cùng, xã hội cũng chỉ quan tâm, các cán bộ đi công tác “xa hoa” như thế rồi đem về những giải pháp đột phá nào, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn ra sao? Hay sau bao nhiêu ngày hưởng thụ chuyến đi xin được tài trợ, vẫn chỉ trả lời chất vấn của cử tri bằng cách nói loanh quanh “trách nhiệm chung”, “cần nhiều bên phối hợp”,….

Rõ ràng, chuyện cán bộ đi công tác như thế nào vẫn là điểm mù thông tin mà người dân không biết, cũng chẳng thể giám sát, kiểm tra.

Đại diện bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch tuyên bố thu hồi văn bản đề nghị cung cấp 400 vé máy bay.

Trong tập cuối của loạt phim tài liệu Trial By Media của Netflix, khi luận tội một thống đốc, giới truyền thông nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản nhất: “Tiền đi đâu, về đâu?”.

Vậy, hàng trăm chuyến công tác của các bộ ngành, địa phương đang sử dụng chi phí từ đâu? Nếu từ ngân sách, chắc chắn người dân có quyền được biết mục đích và hiệu quả công vụ này.

Còn nếu là do doanh nghiệp “tài trợ”, công luận cũng có quyền nghi ngờ về những cuộc “vận động hành lang” cho các chính sách trong tương lai.

Thế nhưng, tất cả vẫn tù mù, mờ mịt.

Có lần, tôi nghe kể câu chuyện ở Trà Vinh, một doanh nghiệp có vốn Hàn Quốc thuê đất trồng chuối. Khi đoàn công tác đến làm việc, yêu cầu cưỡng chế thu hồi đất, mấy vị quan đầu tỉnh rất thản nhiên hỏi… xin chuối. Bi hài đến độ, được cho vài thùng, người ta lại xin thêm vài chục thùng cho cơ quan.

Người dân hay doanh nghiệp đâu có hiểu thế nào là đạo đức công vụ. Nhưng hàng triệu cán bộ công chức đang thực hiện nhiệm vụ phải hiểu biết, phải chỉnh tề tác phong chứ.  

“Công việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy như thế, liệu cán bộ còn nhớ?

Và những người có trách nhiệm đã tổ chức họp báo, tuyên bố thu hồi văn bản, lạ thay, trên mỗi con dấu quyền lực đều có quốc huy, lẽ nào cứ nói ra rồi rút lại, như trò đùa "Công Lý" trên bìa sách luật.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả