Văn hoá

Tổng cục Du lịch thông tin về việc các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan thắt chặt visa với công dân Việt Nam?

Chiều 9/7 tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình du lịch 6 tháng đầu năm 2019. Tại đây, đại diện của Tổng cục cũng giải đáp một số thắc mắc của dư luận trong thời gian qua.

Tại cuộc họp báo, đại diện của Tổng Cục Du lịch (bộ VH,TT&DL) cho biết,  trong 6 tháng đầu năm 2019, ngành Du lịch đã có nhiều nỗ lực, tổ chức triển khai nhiều hoạt động và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 8,5 triệu lượt (tăng 7,5 % so với cùng kỳ năm 2018); khách du lịch nội địa ước đạt 45,5 triệu lượt (khách lưu trú đạt 22,9 triệu lượt); tổng thu từ khách du lịch đạt 338.200 tỷ đồng (tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018).

Cùng với kết quả trên, trong 6 tháng, ngành Du lịch đã thực hiện được nhiều nhiệm vụ quan trọng như triển khai các giải pháp duy trì tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế, nội địa, đạt mục tiêu theo kịch bản tăng trưởng của ngành Du lịch năm 2019; Hoàn thiện và báo cáo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ đề án Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

Đại diện của Tổng Cục Du lịch (bộ VH,TT&DL) cho biết, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 8,5 triệu lượt (tăng 7,5 % so với cùng kỳ năm 2018).

Về công tác quản lý nhà nước các lĩnh vực lữ hành, hướng dẫn viên du lịch được tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; quản lý điểm đến, thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh kiểm soát, chấn chỉnh việc đảm bảo duy trì chất lượng dịch vụ du lịch hạn chế cơ bản hoạt động tour giá rẻ… Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cũng chủ động xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch trên địa bàn tỉnh gắn với liên kết trong vùng với các tỉnh thành khác; nhiều công trình hạ tầng quan trọng như hệ thống đường cao tốc, cảng biển, sân bay đã được đưa vào khai thác góp phần tích cực phát triển du lịch.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng - Tổng Cục Du lịch cho biết: "Để có được những thành công trên là do sự chủ động và nỗ lực của hiệp hội Du lịch, cộng đồng doanh nghiệp trong đầu tư các cơ sở vật chất kỹ thuật có quy mô và đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trong nước và quốc tế".

Xung quanh câu hỏi của báo chí về việc Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản thắt chặt việc cấp visa cho công dân Việt Nam. Theo Phó Tổng Cục trưởng thì đây là những sự việc vô cùng đáng tiếc, không mong muốn. Trong thời gian tới Tổng Cục Du lịch sẽ phối hợp với các cấp, các ngành kêu gọi công dân Việt Nam chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật của các nước sở tại khi đi du lịch. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của ngành Du lịch.

Công dân Việt Nam đợi xin visa tại Lãnh sự quán Hàn Quốc ở Hà Nội.

Ngoài ra, với câu hỏi việc đặt các tour du lịch thông qua các ứng dụng công nghệ đang tạo ra nhiều rủi ro cho du khách. Theo Phó Tổng Cục trưởng cho biết, đây là xu hướng phổ biến trên thế giới và trong tương lai sẽ ngày càng cao so với cách đặt truyền thống. Tuy nhiên, việc đặt các tour du lịch thông qua các ứng dụng thì các rủi ro là cao hơn cách đặt truyền thống. Nhưng việc đặt các tour online thì các đơn vị khách sạn, lữ hành… đều bị ràng buộc bởi các hợp đồng kinh tế.

Do đó những thay đổi trong các tour so với quảng cáo thì các đơn vị này sẽ phải bồi thường cho du khách. Đây cũng là bài toán mà các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tạo môi trường cho các đơn vị du lịch làm ăn đúng đắn. Trong thời gian tới Tổng Cục Du lịch sẽ tiến hành thanh kiểm tra việc đặt các tour du lịch thông qua các ứng dụng online này.

Về mục tiêu 6 tháng cuối năm 2019, du lịch lịch Việt Nam tiếp tục duy trì thúc đẩy, tăng trưởng về khách du lịch quốc tế và nội địa. Dự kiến năm 2019, ngành Du lịch sẽ đón, phục vụ 17,5 đến 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt 700 nghìn tỷ đồng. Trong đó tập trung mọi nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp xúc tiến thu hút khách du lịch, hoàn thành chỉ tiêu đề ra năm 2019.

Cũng tại buổi họp báo, Tổng Cục Du lịch cũng đã công bố kế hoạch tổ chức lễ vinh danh doanh nghiệp du lịch hàng đầu và trao tặng giải thưởng Du lịch Việt Nam 2019. Theo kế hoạch, chương trình sẽ được tổ chức vào ngày 15/7 gắn với kỷ niệm 59 năm ngày thành lập ngành Du lịch nhằm lựa chọn và tôn vinh các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng sản phẩm du lịch, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia thúc đẩy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Khách du lịch nước ngoài thích thú với những điểm du lịch Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội.

Về cơ cấu, giải thưởng sẽ vinh danh 10 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế đưa khách du lịch ra nước ngoài tốt nhất; 10 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa tốt nhất Việt Nam; 10 khách sạn 5 sao tốt nhất Việt Nam; 10 khách sạn 4 sao tốt nhất Việt Nam; 1 hãng hàng không vận tải nhiều khách du lịch nhất; 1 hãng hàng không có tốc độ tăng trưởng khách du lịch nhanh nhất; 5 doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách du lịch bằng ô tô tốt nhất Việt Nam; 5 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách du lịch đường thủy tốt nhất Việt Nam; 5 nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch tốt nhất Việt Nam; 5 khu du lịch và vui chơi giải trí tốt nhất Việt Nam; 10 sân golf phục vụ khách du lịch tốt nhất Việt Nam; 5 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch hàng đầu Việt Nam; 5 cơ sở đào tạo nguồn nhân lực tiêu biểu của Việt Nam; 5 đơn vị truyền thông có nhiều đóng góp cho ngành Du lịch Việt Nam.

Tại buổi họp báo, Tổng Cục Du lịch cũng đã công bố báo cáo thường niên du lịch năm 2018. Báo cáo là tài liệu quan trọng nhằm giới thiệu toàn diện những kết quả, hoạt động trọng yếu trong năm, đánh giá tình hình, dự báo xu hướng phát triển của một ngành, lĩnh vực, cơ quan tổ chức. Ngoài ra báo cáo cũng đưa ra một số thông tin chi tiết và nhận định cơ bản, thể hiện thực trạng và xu hướng trong 5 năm qua.