Văn hoá

"Tổng Cục Du lịch hồi hộp chờ mốc mở cửa du lịch ngày 15/3"

Tổng cục Du lịch đã và đang có những chuẩn bị gấp rút cho ngày mở cửa 15/3. Đơn vị này cũng có nhiều chính sách để ưu đãi các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho hay, đơn vị này đã tham mưu lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất tiếp tục duy trì các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp đã được thực hiện cho tới năm 2021, kéo dài tới hết năm 2023.

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.

Ông Khánh cho biết: "Đó là các gói như: Hỗ trợ tài chính, tín dụng, an sinh xã hội và các chính sách khác như giảm tiền điện với các cơ sở lưu trú như giá điện sản xuất, giảm thuế đất, VAT, lãi vay, khoanh hạn những khoản nợ chưa chi trả, hỗ trợ hướng dẫn viên…

Tổng cục Du lịch cũng sẽ làm việc với các địa phương, khuyến khích các nơi có chính sách riêng để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch về nhiều mặt, từ tài chính, tín dụng tới hỗ trợ người lao động, phát triển sản phẩm mới. Về hỗ trợ lao động ngành du lịch bị mất việc làm từ tháng 7/2021 tới nay, trên cả nước đã chi trả gần 80%. Ngành du lịch đã và sẽ tham mưu Chính phủ tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ này".

Để chuẩn bị mở cửa hoàn toàn từ ngày 15/3, Tổng cục Du lịch đang gấp rút hoàn thiện phương án đón khách với nhiều điểm nới lỏng cho du khách và doanh nghiệp, như du khách có thể đến Việt Nam du lịch tự do không cần phải qua một doanh nghiệp lữ hành nào, và tất cả doanh nghiệp lữ hành đáp ứng đủ quy định của pháp luật hiện hành về kinh doanh lữ hành quốc tế đều có thể tham gia đón khách.

Khách cũng chỉ cần bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 tối thiểu 10.000 USD, chỉ cần test nhanh sau khi nhập cảnh trở về cơ sở lưu trú và tự theo dõi sức khỏe, nếu âm tính sẽ được tham gia mọi hoạt động du lịch như khách nội địa.

Ông Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ thêm: "Từ nay đến ngày mở cửa du lịch 15/3, Tổng Cục Du lịch và Bộ VH,TT&DL sẽ rất bận rộn và phối hợp với nhiều bộ ngành để triển khai các công tác chuẩn bị. Chúng ta phải rà soát lại toàn bộ quy định liên quan theo chức năng nhiệm vụ của từng ngành để đảm bảo hoạt động du lịch được diễn ra bình thường. Tổng cục Du lịch cũng hồi hộp chờ mốc mở cửa du lịch ngày 15/3.

Thứ 2 là việc chuẩn bị cơ sở vật chất phải đáp ứng được nhu cầu mở cửa, đón khách trở lại. Ngoài ra, chúng ta cũng phải xây dựng được các sản phẩm du lịch mới phục vụ nhu cầu của khách trong bối cảnh mới. Đây là vấn đề quan trọng, tạo sức hấp dẫn và nâng cao năng lực cạnh tranh của các địa phương cũng như cho du lịch Việt Nam. Công tác truyền thông, xúc tiến du lịch cần đổi mới, triển khai trên nền tảng số; việc đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách cũng cần phải có sự chuẩn bị".

"Chúng ta sẽ mở cửa đón khách quốc tế theo các điều kiện, phương án, lộ trình mà Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã đề xuất, ngoài ra chúng ta cũng căn cứ vào điều kiện thực tế theo các quy định của từng quốc gia, thị trường mục tiêu để có những ưu tiên ngắn hạn, dài hạn.

Trước mắt, chúng tôi cho rằng, chúng ra sẽ hướng vào những thị trường không có những quy định quá chặt chẽ trong công tác cách ly khách sau khi đi du lịch Việt Nam trở về, thứ nữa là những thị trường đã có những động thái mở cửa, thu hút khách quốc tế đến, tạo điều kiện cho khách đi du lịch trở lại. Chúng tôi sẽ có những nghiên cứu cụ thể để từ đó có những chính sách, chiến lược cụ thể thu hút khách phù hợp ở từng thị trường" - Ông Khánh cho hay.

Việt Nam đã sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế tới thăm quan.

Cùng với việc hoàn thiện phương án đón khách cũng như các đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang thúc đẩy để tăng thêm số lượng các quốc gia công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng vắc xin Covid-19 của Việt Nam.

Ông Khánh cho biết, hiện Việt Nam công nhận giấy chứng nhận này ở 79 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong khi mới chỉ có 14 quốc gia trên thế giới công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng cho Việt Nam. Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch cũng đang tập trung vào xây dựng các chính sách thu hút người lao động ngành du lịch quay trở lại như đề xuất các chương trình đào tạo, đào tạo lại, phối hợp với các địa phương, đề nghị địa phương có chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp trên địa bàn

Năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ cố gắng phối hợp với các bộ, ban ngành, địa phương đặt mục tiêu phục vụ 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 60 triệu lượt khách nội địa, khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu 400 ngàn tỷ đồng.