Hồ sơ doanh nghiệp

Tổng công ty Hàng hải lãi 2.225 tỷ đồng nửa đầu năm 2022

6 tháng đầu năm 2022, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam báo lợi nhuận hợp nhất ước đạt 2.225 tỷ đồng, tăng 175% so với cùng kỳ 2021.

Đạt 64% kế hoạch doanh thu năm 2022

Theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), “ông lớn” ngành vận tải biển vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan bất chấp những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cũng như biến động giá nhiên liệu

Theo đó, sáu tháng đầu năm 2022, sản lượng vận tải biển toàn VIMC đạt 10,9 triệu tấn (đạt 89% cùng kỳ 2021; chiếm 57% kế hoạch 2022); sản lượng hàng thông qua cảng là 64 triệu tấn (đạt 94% cùng kỳ 2021; chiếm 48% so kế hoạch năm nay).

Doanh thu hợp nhất ước đạt 7.972,8 tỷ đồng, tăng 123% so với cùng kỳ 2021 và đạt 64% trong kế hoạch năm 2022. Riêng công ty mẹ có doanh thu ước đạt 1.192 tỷ đồng.

Kết quả lợi nhuận hợp nhất của VIMC ước đạt 2.225 tỷ đồng, tăng 175% so với cùng kỳ 2021.

Trong đó, đối với khối cảng biển, lợi nhuận trước thuế ước đạt 826 tỷ đồng.

Khối vận tải biển cũng ghi nhận kết quả tích cực dù thị trường nhiều biến động. Lợi nhuận toàn khối ước đạt 1.766,7 tỷ đồng. Một số cảng có kết quả lợi nhuận cao như cảng Hải Phòng (410 tỷ đồng), cảng Sài Gòn (200 tỷ đồng), Cảng Đà Nẵng (160,8 tỷ đồng)…

“Các đơn vị đã bám sát, tận dụng cơ hội thị trường tốt vào thời điểm cuối tháng 2 và đầu tháng 3 để kịp thời điều chỉnh, ký hợp đồng với mức tài chính cao, tiếp tục duy trì các hợp đồng định hạn với mức giá tốt trong Quý 2”, lãnh đạo VIMC lý giải về kết quả này.

Ngoài ra trong 6 tháng đầu năm 2022, hệ thống cảng của VIMC đã phát triển thêm 4 tuyến dịch vụ mới tại các Cảng Hải Phòng (2 tuyến), Đà Nẵng (1 tuyến), SSIT (1 tuyến). Đồng thời, phát triển thêm dịch vụ mới về hệ thống cảng của VIMC trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, thử nghiệm dịch vụ đi Ấn Độ từ Cảng Nghệ Tĩnh.

Cùng đó, VIMC còn kết hợp với hãng vận tải biển lớn nhất thế giới MSC để thúc đẩy tiến trình triển khai dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ – Tp. Hồ Chí Minh. Hiện tại, dự án này đã trình Thủ tướng xem xét. Đây được xem là những nỗ lực của “ông lớn” hàng hải trong việc phát triển thị trường và đầu tư.

Tuy có được những thành tích khả quan nhưng vẫn còn nhiều điều khó khăn điểm mà "ông lớn" này chưa thể đạt được.

Cụ thể, hầu hết các đơn vị khối cảng biển đều có sản lượng sụt giảm so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng toàn khối cảng biển chỉ đạt 94% so với cùng kỳ, trong khi mức tăng trưởng sản lượng của cả nước 2%.

Hoạt động của khối dịch vụ hàng hải cũng còn gặp khó khăn, lợi nhuận toàn khối ước đạt 50,8 tỷ đồng (118,8% cùng kỳ 2021). Bên cạnh đó, công tác tái cơ cấu các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ vẫn còn chậm, chưa tạo được đột phá.

Ngoài ra, một số dự án của doanh nghiệp này còn chậm tiến độ như dự án Bến số 3, 4 Cảng Lạch Huyện của Cảng Hải Phòng còn chậm, chưa hoàn thành các thủ tục và điều kiện để khởi công. Cảng VIMC Đình Vũ chưa hoàn thành đưa vào khai thác.

Thị trường biến động lớn trong những tháng cuối năm

VIMC cho rằng, thị trường kinh tế 6 tháng cuối năm đối mặt với áp lực lạm phát. Lạm phát đến từ giá nguyên vật liệu, hàng hóa thế giới tăng, giá dầu thô tiếp tục dự báo tăng mạnh. Do đó, việc kiểm soát lạm phát và hạ nhiệt giá xăng dầu phải được ưu tiên hàng đầu

Đánh giá thị trường vận tải biển sáu tháng cuối năm sẽ phụ thuộc rất lớn vào diễn biến của cuộc xung đột Nga-Ukraine và giá dầu sẽ diễn biến khó lường, tuy nhiên, phía VIMC nhìn nhận, giá cước cũng đã có dấu hiệu chững lại và suy giảm nhẹ kể từ sau khi chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định trở lại.

Trong khi đó, các hãng tàu hàng rời trên toàn cầu đều nhận định thị trường tàu hàng khô nửa cuối năm 2022 sẽ chứng kiến sự suy giảm so với đầu năm do các nguyên nhân tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm, nhu cầu hàng hoá thiếu ổn định đến từ Trung Quốc cũng như các chính sách bảo hộ để kiểm soát lạm phát của nhiều quốc gia.

Mặt khác, thị trường container sau sáu tháng đầu năm đã chứng kiến sự suy giảm mạnh và sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm. Lạm phát toàn cầu tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua của thị trường châu Mỹ khiến sản lượng hàng hoá xuất khẩu từ châu Á giảm mạnh.

Thị trường tàu dầu được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến tốt trong thời gian tới, nhất là khi cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa cho thấy dấu hiệu của sự kết thúc. Mặc dù các nước châu Âu đã tuyên bố cấm vận dầu đến từ Nga, nhưng điều nay mở ra cơ hội cho các tuyến vận chuyển toàn cầu mới với khoảng cách xa hơn. Dự kiến sản lượng dầu toàn cầu cần vận chuyển trong nửa cuối năm sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao với các tuyến vận chuyển dài hơn giúp các chủ tàu duy trì được mức giá cho thuê tốt.

Năm 2021, VIMC ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 14.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.189 tỷ đồng.

Đưa ra phương hướng, nhiệm vụ những tháng còn lại của năm nay, VIMC yêu cầu các doanh nghiệp vận tải biển theo dõi sát diễn biến thị trường để có các giải pháp ứng phó, đàm phán hợp đồng, điều chỉnh giá cước đảm bảo hiệu quả hoạt động của đội tàu; đẩy mạnh chương trình marketing với khách hàng, hãng tàu để tăng thêm các tuyến dịch vụ mới về hệ thống cảng.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cũng nghiên cứu phát triển và triển khai các dịch vụ mới như vận tải ven biển; kết nối hệ thống cảng của đơn vị; triển khai dịch vụ sà lan kết nối các cảng với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Doanh nghiệp cảng biển khẩn trương có giải pháp để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh được giao; tiếp tục phát triển thêm các tuyến dịch vụ mới về hệ thống cảng, phát triển tuyến dịch vụ container.

Ngoài ra, VIMC tiếp tục tái cơ cấu nợ Công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên; hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên xử lý nợ tại các ngân hàng thương mại; tập trung quản trị chi phí, chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng vốn tại các doanh nghiệp thành viên.