Sự kiện

Tổng biên tập báo Đời sống & Pháp luật nhận diện thách thức của báo chí trong thời đại 4.0

Phát biểu tại Gala Báo chí 2019, ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập báo Đời sống & Pháp luật, báo điện tử Người Đưa Tin chỉ ra những thách thức của báo chí Việt Nam trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ngày 16/3, báo Nhà báo và Công luận (Hội nhà báo Việt nam) đã tổ chức Gala Báo chí 2019 với chủ đề “Nhìn lại và Bước tới” tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Tham dự Gala có đông đảo các Tổng giám đốc, Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập, lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí lớn và lãnh đạo Hội nhà báo Việt Nam.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập báo Đời sống & Pháp luật, báo điện tử Người Đưa Tin nêu rõ những áp lực của cuộc cách mạng công nghiệp lên cơ quan báo chí truyền thống.

“Những tác động của công nghệ 4.0 và những xu hướng mới đang đè nặng lên không chỉ cả cơ quan báo chí truyền thống, mà còn ảnh hưởng đến diện mạo và cách thức triển khai báo chí một cách toàn diện”, ông Nguyễn Tiến Thanh khẳng định.

Tổng biên tập báo Đời sống & Pháp luật, báo điện tử Người Đưa Tin chỉ ra 3 yếu tố cốt lõi: Người làm báo, cơ quan báo chí và bạn đọc.

Đối với người làm báo, trong xu hướng mới chúng ta cần những nhà báo, người làm báo đa năng, đa nhiệm, có thể làm được những sản phẩm báo chí trên mọi nền tảng.

Các cơ quan báo chí cần dần dần tiếp cận xu hướng mới, trở thành một cơ quan báo chí đa phương tiện, đa nền tảng và có tính tương tác lớn.

So với các thời kỳ trước, bạn đọc báo chí đã thay đổi rất nhiều. Bạn đọc tiếp cận với mọi nền tảng, nhu cầu thông tin cũng đã có sự đổi mới thay vì chỉ cập nhật tin tức trên báo giấy như trước.

Theo nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, đây chính là những thách thức không chỉ đối với báo chí truyền thống mà tất cả loại hình báo chí đều phải cân nhắc.

Liên hệ từ tòa soạn Đời sống & Pháp Luật - Người Đưa Tin, Tổng biên tập Nguyễn Tiến Thanh chia sẻ những thay đổi trong mô hình tổ chức cũng như cách thức làm việc trong năm 2018.

“Cuối năm 2018 vừa qua, chúng tôi đã đưa ra một quyết định khá là đau lòng. Bản thân hệ thống báo Đời sống & Pháp luật vốn là hệ thống báo in với rất nhiều ấn phẩm phụ, nhưng cuối năm 2018 chúng tôi quyết định đập tất cả, chỉ giữ  lại ấn phẩm chính là báo Đời sống & Pháp luật”, Tổng biên tập Nguyễn Tiến Thanh chia sẻ.

Mục đích của quyết định táo bạo này là để tập trung nguồn lực, tái cơ cấu, tái tổ chức đội ngũ nhân sự cho các sản phẩm trực tuyến nhằm tiếp cận các xu hướng công nghệ mới.

“Chúng tôi chấp nhận dứt bỏ cái cũ để tập trung đầu tư cho xu hướng mới”, nhà báo Nguyễn Tiến Thanh cho biết.

Bá Di