Tiêu dùng & Dư luận

Tôm hùm đất từng bị các quốc gia “tẩy chay” như thế nào?

Israel, Mỹ, Tây Ban Nha và nhiều quốc gia khác đã từng kịch liệt “tẩy chay” tôm hùm đất vì lo ngại hệ sinh thái bị phá hoại.

Tôm hùm đất (có tên tiếng Anh là Cherax quadricarinatus) có nguồn gốc từ Australia và Papua New Guinea xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Australia, Anh, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc... Đây là loài mà theo Bộ NN-PTNT bị cấm ở Việt Nam.

Loài sinh vật này mang đến nhiều nỗi lo cho hệ sinh thái môi trường. Hồi năm 2015, báo Haaretz của Israel từng nhận định rằng hệ sinh thái của sông ngòi Tel Aviv đang bị đe dọa bởi sự xuất hiện của loài sinh vật mới tôm hùm đất này. Khi đó, các nhà sinh vật học nước này e ngại tôm hùm đất sẽ đe dọa đến cua, loài sinh vật nhỏ và hiền lành hơn.

Loài sinh vật từng được nhiều nước nuôi trồng để làm thức ăn này được nhập khẩu trái phép vào Israel. Loài này sau đó nhanh chóng được các hộ gia đình phát triển vì tốc độ sinh sản nhanh. Vì thế loài này đã gây nguy hại lớn cho các loài vật nuôi trong gia đình khác.

Tôm hùm đất bị nhiều nước "tẩy chay" 

Các nhà sinh thái học cũng cho rằng Cherax quadricarinatus có thể tấn công các loài sinh vật khác có trong hệ thống sông ngòi của nước này, tranh giành thức ăn và chiến đấu để giành giật các nguồn thức ăn cũng như môi trường sống với các loài khác, gây hỗn loạn hệ sinh thái ở công viên Yarkon của Tel Aviv.

Không chỉ Israel, loài sinh vật này bị nhiều nước coi là loài ngoại lai có nguy cơ gây hại do có khả năng thích nghi tốt với môi trường mới, sinh sản nhanh, ăn tạp. Ngoài cạnh tranh thức ăn với các loài bản địa, phá hoại mùa màng, loài sinh vật này còn dùng các loài sinh vật bản địa làm thức ăn, đào hang giỏi gây ảnh hưởng đến mương máng, đê điều.

Đáng ngại hơn nữa, Cherax quadricarinatus còn là loài mang nhiều mầm bệnh ký sinh trùng gây nguy hại cho các loài thủy, hải sản khác.

Những năm 1960, Tây Ban Nha từng thử nhân giống tôm hùm đất nhưng loài này đã phá hủy những cánh đồng lúa ở nước này.

Bang Michigan của Mỹ từng áp dụng các biện pháp hạn chế số lượng tôm hùm đất do số lượng sinh vật này tăng nhanh chóng và phá hủy thiên nhiên.

Một số nước Kenya, Rwanda, Uganda, Egypt, Zambia, Nam Phi cũng từng phải chịu thiệt hại rất nặng do sinh vật này.