Đời sống

Tối nay ăn gì: Cách làm nem thính tại nhà, ai cũng tấm tắc khen ngon

Nếu ngày Tết bạn ngấy các món dầu mỡ hãy học ngay cách chế biến món nem thính cực phẩm này.

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

Bì lợn là một trong ba thành phần chính, quan trọng nhất của món nem thính. Theo đó, để chọn bì lợn ngon, bạn nên chú ý chọn phần bì thăn vì phần bì này dày và thơm, giòn hơn so với các phần bì ở bộ phận khác. Không nên chọn phần bì nhão ở bụng hay má vì như vậy bạn sẽ rất khó thái, đồng thời ăn sẽ không ngon.

Về phần thịt nạc nên chọn ở phần nạc vai vì như vậy khi trộn thính sẽ không bị khô.

Bạn có thể mua thính gạ hoặc tự rang gạo sau đó xay làm thính.

Các loại rau: Rau thơm, lá sung, chanh quả, lá chanh, tỏi, ớt

Gia vị: Đường, mắm, bột nêm, hạt tiêu, bột ngọt

Nem thính thơm ngon, bổ sung thực đơn ngày Tết ăn rất đậm đà.

Cách làm nem thính ngon tại nhà

Bước 1: Làm chín nguyên liệu

Bì lợn: Làm sạch lông, rửa sạch sau đó cho vào nồi luộc. Luộc vừa chín tới thì bạn vớt ra và để vào bát nước lạnh để bì được trắng và giòn hơn. Tiếp đó bạn vớt bì ra và thái chỉ.

Thịt nạc: Cũng tương tự bì lợn, thịt nạc bạn đem rửa sạch và luộc chính. Tiếp đó bạn cũng đem thái chỉ phần thịt nạc này

Lá chanh: Đem rửa sạch sau đó thái chỉ. Lưu ý bạn thái càng nhỏ thì lá chanh càng thơm và dậy mùi.

Tỏi ớt: Làm sạch và băm nhỏ.

Bước 2: Trộn nem thính

Bạn cho lần lượt phần thịt nạc, bì vào trong một chiếc âu sạch. Tiếp đó bạn phủ một lớp thính gạo đã chuẩn bị lên và rắc tiếp phần lá chanh, tỏi, ớt đã chuẩn bị. Làm tương tự như vậy cho tới khi hết nguyên liệu.

Tiếp đó, bạn dùng đũa hoặc dùng bao tay và trộn đều phần thịt, bì đã rắc thính. Lưu ý trộn đều tay để thính không bị vón cục cũng như các phần thịt, bì lợn được ngấm thính đều, như vậy sẽ ngon hơn.

Bước 3: Làm nước chấm.

Nước chấm nem thính khá đơn giản, không cần quá phức tạp. Bạn chỉ cần pha nước mắm chanh đường tỏi ớt như thông thường là được. Có một lưu ý nhỏ nữa là bạn không nên làm nước chấm nem thính quá mặn vì như vậy sẽ làm giảm độ ngon của toàn món.

Ngoài ra, để nước chấm được thơm hơn thì bạn cũng có thể rắc một chút lá chanh hoặc rau mùi thái nhỏ và để khoảng 5 phút là được.

Ở một số địa phương nem thính thường được ăn kèm với lá sung và một số loại lá rau gia vị khác như mùi, đinh lăng. Tuy nhiên bạn vẫn chuẩn bị lá sung để gói nem khi ăn vì đây là loại lá hợp với món nem nhất, sẽ làm tăng vị lên rất nhiều khi thưởng thức.

Tác dụng của bì lợn với sức khỏe

Bì lợn chứa cùng một loại chất béo như trong dầu ô liu: 43% là chất béo không bão hòa, trong đó phần lớn là axit oleic. Axit oleic là chất béo tự nhiên được tìm thấy trong các loại dầu động vật và thực vật khác nhau, bao gồm cả dầu ô liu. Vì vậy ăn chất béo vừa đủ trong bì lợn mang lại lợi ích đối với sức khỏe.

Bì lợn chứa nhiều natri: Natri có lợi cho các hệ thống quan trọng của cơ thể con người. Natri giúp điều chỉnh sự hấp thụ glucose cũng như lượng chất lỏng trong cơ thể, cải thiện chức năng não, duy trì trái tim khỏe mạnh, loại bỏ carbon dioxide dư thừa cũng như duy trì sức khỏe làn da.

Bì lợn chứa một lượng lớn collagen, có thể làm chậm sự lão hóa của các tế bào cơ thể. Đặc biệt là những người bị nhiệt, xuất hiện đau họng, sốt tắc mạch. Bề dày, cấu trúc và chức năng của da lợn tương đối giống da người. Các ngành da liễu và mỹ phẩm đã khai thác ưu điểm này của da lợn để nghiên cứu tìm hiểu tác dụng của tia cực tím trên da và quá trình lên sẹo của vết thương, đắp lên vết bỏng phòng chống nhiễm trùng trong khi chờ cấy ghép.

Ngoài ra, bì lợn cũng có tác dụng chữa bỏng hiệu quả. Khi bị thương, dùng da ếch thường bám chắc vào vết thương, co kéo làm hở vết thương, tạo khoảng trống để vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng thứ phát. Trong khi đó, băng sinh học từ trung bì da lợn còn tươi có tính chất xốp, đàn hồi, có độ thấm, thoát dịch tốt, được chế tạo với độ dày thích hợp, cản trở sự xâm nhập và phát triển của vi khuẩn khiến vết thương không nhiễm trùng và mau lành hơn hẳn.

Trúc Chi (t/h)