Quan điểm

Ở Hà Nội, muốn hay không vẫn phải chung thân với xe máy

Từ nhà đến công ty chỉ cách 3km, tôi định đi bộ đi làm cho khỏe người. Nếu cần đi xa thì bắt xe buýt nhưng cuối cùng vẫn phải đi xe máy.

Ở Việt Nam quả thật rất khó để từ bỏ việc sử dụng xe máy và chuyển sang đi bộ, đặc biệt là tại Hà Nội. Khi đi bộ ngoài đường bạn phải đương đầu với hàng loạt hiểm nguy rình rập tứ phía. Chẳng hạn, muốn qua đường thì phải ngó trước, ngó sau, ngó bốn phương tám hướng dù đèn tín hiệu đang dành cho người đi bộ. Bởi chỉ cần một phút mất cảnh giác bạn có thể “đụng mặt” những tài xế vô ý thức, coi đèn đỏ cũng như đèn xanh.

Vỉa hè thì chỗ có chỗ không, chỗ rộng thì bị lấn chiếm sử dụng vào đủ các mục đích khác nhau như làm nơi kinh doanh, buôn bán, bãi trông giữ xe, trưng biển quảng cáo... Chưa kể mỗi khi tắc đường hay vào giờ cao điểm là xe máy, ô tô thản nhiên leo lên vỉa hè như một lối thoát thân. Chính điều này khiến cho hàng đá lát vỉa hè bị cày xới, bong tróc, “ổ voi”, “ổ gà” xuất hiện nhan nhản.

Nhiều nơi quy hoạch có đường đi bộ nhưng không thuận tiện cho việc đi lại, thiết kế chỉ cho có. Lắm lúc muốn sang đường nhưng không có vạch kẻ đường hay cầu vượt cho người đi bộ. Muốn đi tiếp phải “liều mình” đi xuống lòng đường nơi ôtô, xe máy đang lưu thông, vô cùng nguy hiểm. Trong khi đó thực tế số lượng tài xế không tuân thủ luật, phóng nhanh, vượt ẩu không hề ít.

Có thể nói người đi bộ đang là đối tượng có ít quyền nhất, phải tự tránh và nhường các phương tiện khác khi tham gia giao thông. Đó là chưa nói đến vấn đề khí hậu, khói bụi. Khí hậu mùa hè phía Bắc nóng ẩm, rất dễ ra mồ hôi. Không khí ở Hà Nội thì nhiều bụi, thường xuyên ở mức báo động ô nhiễm, có hại cho sức khỏe.

Cuối cùng suy đi tính lại tôi cũng như nhiều người chỉ còn một lựa chọn là quay lại sử dụng phương tiện cá nhân. Mà càng nhiều người đi xe riêng giao thông lại càng quá tải, càng tắc đường thường xuyên. Tôi tự hỏi như thế thì bao giờ giao thông Việt Nam mới được cải thiện.

Minh Thanh