Xi nhan Trái Phải

Tội ác của hiệu trưởng Đinh Bằng My: Tất cả tại cánh cửa phòng

Trong bất cứ ngôi trường nào, quyền lực của thầy hiệu trưởng là lớn nhất, văn phòng của thầy hiệu trưởng vì thế cũng là nơi “bất khả xâm phạm”. Khi quyền lực không được kiểm soát trong căn phòng không ai dám xâm phạm, tội ác được nảy sinh.

Có lẽ cho đến ngày hôm nay không ai còn xa lạ với cụm từ “Đinh Bằng My” và trường THCS Dân tộc nội trú Tân Sơn (Phú Thọ).

Dù sự việc đã được phanh phui một thời gian nhưng dư luận vẫn chưa hết sục sôi, căm phẫn.

Không căm phẫn sao được khi tại trường học - nơi mà người ta tưởng chừng như con em mình được bảo ban, dạy dỗ - nơi an toàn tuyệt đối thì lại xảy ra việc thầy hiệu trưởng dâm ô học sinh nam trong nhiều năm trời.

Nguyên cớ cho hành vi bại hoại, ghê tởm này thì có nhiều. Đó là do sở thích bệnh hoạn của gã hiệu trưởng; là vì gia đình thiếu quan tâm, nhà trường không sâu sát, bản thân các em tuy là con trai nhưng còn nhỏ tuổi, chưa có kỹ năng tự bảo vệ bản thân...

Tuy nhiên, có lẽ tất cả những lý do đó chưa phải gốc rễ vấn đề.

Thử đặt câu hỏi, nếu kẻ gây ra hành vi bệnh hoạn, đáng ghê tởm ấy không phải là người quyền cao chức trọng (trong trường hợp này là hiệu trưởng) và nếu như sự việc ấy diễn ra ở một nơi khác chứ không phải văn phòng của thầy hiệu trưởng- nơi được xem là “bất khả xâm phạm” thì vụ việc tày đình này chẳng phải đã được phát lộ sớm hơn?

Phía sau cánh cửa “bất khả xâm phạm” ấy, khi quyền lực không được kiểm soát, tội ác đã nảy sinh.

Từ bé chúng ta đã được dạy “thầy bảo-trò nghe”, thầy bảo một trò không dám bảo hai. Nói không ngoa chứ trong mắt đại bộ phận học sinh, thầy cô giáo là những người mà các em “không cùng đẳng cấp”, bởi vậy, ngưỡng mộ một phần mà sợ sệt nhiều hơn. Và thầy hiệu trưởng thì lại càng ngưỡng mộ, càng sợ sệt.

Không chỉ các em sợ mà thầy cô cũng sợ, từ đó mới có nghi vấn giáo viên trong trường tiếp tay, bao che cho gã hiệu trưởng làm chuyện bại hoại, vô đạo đức với chính “con em của mình”.

Xin nói về văn phòng của thầy nữa, nơi vốn chỉ đón tiếp khách quý, nơi mà chẳng em học sinh hay thậm chí giáo viên nào dám tự động bén mảng tới đúng là một pháo đài “bất khả xâm phạm”.

Thử hỏi có em học sinh nào dám từ chối lời “mời”, “gọi” của thầy hiệu trưởng? Và phía sau cánh cửa quyền lực ấy, mấy em dám phản kháng hành vi bại hoại, tởm lợm trong căn phòng mà ánh mắt sợ hãi, lời khẩn cầu, sự ghê tởm đến run người không có cơ may lọt ra ngoài?

Sau tiếng “tạch” của chốt cửa là một chuỗi những cảm xúc, âm thanh lẫn lộn, bi thảm!

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!