Sự kiện

Tối 10/11, bão số 6 giật cấp 12 đổ bộ bờ biển Bình Định đến Khánh Hòa

Bão số 6 dự báo đổ bộ từ Bình Định đến Khánh Hòa vào tối nay với sức gió mạnh giật cấp 12. Hiện, mưa lớn đang diễn ra từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận và các tỉnh Tây Nguyên. Cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại đô thị các tỉnh trên.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 10h ngày 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,6 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 13. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Như vậy bão đã suy yếu so với hôm qua và sáng nay, thời điểm mạnh nhất sức gió gần tâm bão cấp 11-12, giật cấp 15.

Bão số 6 suy yếu trước giờ đổ bộ Bình Định - Khánh Hòa. (Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia)

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 22 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,9 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11 và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10 giờ ngày 11/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 13,2 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Cam-pu-chia.

Gió mạnh trên biển, đất liền trong 24 giờ tới. Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh nên vùng biển phía Tây khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, giật cấp 13. Sóng biển cao từ 5-7m; biển động rất mạnh. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động.

Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 12, sóng biển cao từ 4-6m. Biển động rất mạnh.

Từ chiều tối nay (10/11), trên đất liền ven biển các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11. Từ đêm nay ở Gia Lai, Đắc Lắk gió giật cấp 7. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 1,5 - 2,5m.

Do ảnh hưởng của bão số 6, từ nay đến ngày 12/11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận, khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến cả đợt ở các khu vực:

- Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Đắc Nông, Lâm Đồng: 100-150mm;

- Bình Định đến Khánh Hòa: 200-300mm, cục bộ có nơi trên 300mm;

- Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc: 100-200mm.

Hiện tại, mực nước trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên biến đổi chậm.

Cảnh báo, từ đêm nay (10/11) đến ngày 12/11, tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên khả năng xuất hiện một đợt lũ. Mực nước trên các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Nam Phú Yên, Nam Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên lên mức BĐ1-BĐ2, có sông lên trên BĐ2; các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định, Bắc Phú Yên, Bắc Khánh Hòa lên mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, vùng ven sông, khu đô thị các tỉnh/thành từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên; riêng các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có nguy cơ xảy ra ngập lụt diện rộng và ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa thủy lợi xung yếu.

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi các tỉnh trên, đặc biệt tại các huyện:

Thừa Thiên Huế: A Lưới, Nam Đông, Phong Điền

Quảng Nam: Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang

Quảng Ngãi: Ba Tơ, Minh Long, Sơn Tây, Tây Trà, Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây

Bình Định: An Lão, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Vân Canh

Phú Yên: Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, Đông Hòa

Khánh Hòa: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, thành phố Nha Trang, khu vực đèo Khánh Lê (Nha Trang-Đà Lạt)

Kon Tum: Đắk Glei, Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đắk Tô, Sa Thầy, Ia H’ Drai

Gia Lai: Ia Grai, Chư Prông, Krông Pa, Đắk Đoa, KBang

Đắk Lắk: M’ Đrắk, Ea Súp, Ea H’leo, Cư M’gar, Krông Bông

Nguy cơ ngập lụt tại các vùng trũng thấp, vùng ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, đặc biệt là các huyện:

Thừa Thiên Huế: Phú Lộc, Phong Điền, thành phố Huế

Quảng Nam: Đại Lộc, Đông Giang, Duy Xuyên, Quế Sơn, Nông Sơn, Hiệp Đức, Núi Thành, Phú Ninh, Thăng Bình, Tiên Phước, thành phố Tam Kỳ

Quảng Ngãi: Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Đức Phổ, Mộ Đức, thành phố Quảng Ngãi

Bình Định: An Lão, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước, Vân Canh, thành phố Quy Nhơn

Phú Yên: Sông Cầu, Đồng Xuân, Tuy An, Đông Hòa, thành phố Tuy Hòa

Khánh Hòa: Vạn Ninh, Ninh Hòa, thành phố Nha Trang

Hoàng Mai