Tiêu điểm thế giới

Toan tính bất ngờ Iran âm thầm nhắm vào Nga trong cuộc xung đột ở Syria

Iran có thể đã giành được sự kiểm soát một cảng container ở Syria và khi vị thế của Tehran ở Syria tăng đồng nghĩa với việc mối đe dọa với Nga cũng tăng.

Theo Uawire, Iran có thể giành được sự kiểm soát một cảng container ở tỉnh Latakia của Syria. Các cuộc đàm phán giữa các nhà lãnh đạo của cộng hòa Hồi giáo và đại diện Damascus đã diễn ra.

Vị thế lớn hơn của Tehran ở Syria sẽ làm tăng mối đe dọa không chỉ với nhà nước Do thái mà còn với Nga, quốc gia đang có mối quan hệ thân thiết với Iran nhưng khó có thể được mô tả như một đối tác chiến lược bất chấp mọi tuyên bố của các quan chức Nga và Iran.

Các cuộc đàm phán với chính phủ Syria liên quan đến việc người Iran đến Latakia vào đầu mùa thu năm 2019 đã diễn ra. 

Vào ngày 1/10 tới, hợp đồng với công ty quản lý hiện tại, một liên doanh giữa công ty đầu tư Syria Souria Holding và doanh nghiệp vận tải Pháp CMA CGM sẽ kết thúc.

Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Iran 

Bản thân cảng Latakia là tài sản của chính phủ Syria và đã chịu lệnh trừng phạt của Mỹ từ năm 2015. Hiện tại, có 23 nhà kho tại cảng này. Trước khi Syria bước vào cuộc xung đột dữ dội sau phong trào Mùa xuân Ả Rập năm 2011, cảng này từng vận chuyển 3 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Tờ Times nhận định rằng việc kiểm soát cảng thương mại này có thể giúp Iran bảo vệ tuyến đường quá cảnh qua Iraq và Syria đến biển Địa Trung Hải. Một tuyến đường như vậy thường được liên kết với tham vọng quân sự của Tehran và được mệnh danh là Hành lang Shiiteite - một tuyến đường có thể củng cố vị thế của  nước cộng hòa Hồi giáo trong khu vực và trở thành chiến tuyến trong cuộc chiến chống lại Israel.

Mỹ đã nỗ lực giảm lượng dầu mà Iran có thể xuất khẩu và cắt giảm các kênh vận chuyển mà có thể giúp nền kinh tế Iran tăng trưởng nhưng Washington bất lực trong việc tác động đến quyền lợi của Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ với dầu của Iran. Bởi vậy nên Iran vẫn tiếp tục vận chuyển dầu.   

Iran khẳng định rằng sự hiện diện của nước này ở Latakia hoàn toàn bắt nguồn từ nhu cầu kinh tế. Một hợp đồng xây dựng trạm năng lượng trị giá 460 triệu USD ở vùng duyên hải đã được ký kết.

Giới quan sát xem hợp đồng này là một phần trong kế hoạch của Iran nhằm mở rộng sự hiện diện ở Syria.

Bên cạnh đó, Tehran và Damascus cũng đã đồng thuận trong việc tìm kiếm một ngân hàng đầu tư đồng thời thiết lập biểu thuế quan hải quan hợp lý. Các kẻ thù của Iran trong khu vực thì tỏ ra hoài nghi rằng các dự án kinh tế này thực chất là cách để Iran mở rộng quân sự ở quốc gia Trung Đông mà thôi.

Tờ Times chỉ ra rằng sự hiện diện của Iran ở Latakia được cho là cũng có thể đe dọa đến Nga. Nga có căn cứ ở Tartus, phía nam Latakia. Theo các chuyên gia, có nhiều lý do để tin rằng, mối quan hệ đối tác giữa Moscow và Tehran trong giai đoạn hậu xung đột ở Syria là bấp bênh. Trong thời gian gần đây, Nga đã tăng cường các mối quan hệ thương mại, bao gồm các thỏa thuận vũ khí, với các đối thủ khu vực của nước Cộng hòa Hồi giáo như Ả Rập Saudi và Israel đồng thời cũng khẳng định mạnh mẽ hơn các quyền đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Biển Caspi. 

Những động thái đó chắc chắn không được nhìn nhận một cách tích cực ở Tehran, vốn nhận thức rõ rằng, một khi cuộc chiến ở Syria kết thúc, ảnh hưởng của họ sẽ giảm và họ sẽ phải chia sẻ lợi ích với Nga.

Theo thống kê từ năm 2018, các công ty Nga đã vượt qua Iran trong các cuộc đấu thầu thăm dò khí đốt ở Syria. Theo đó, các chuyên gia dự đoán hoàn toàn có khả năng cuộc cạnh tranh giữa Nga và Iran tại Syria sẽ sớm đạt đến cấp độ mới.

Trước đó, cựu lãnh đạo lực lượng không quân Israel Amir Eshel từng cho rằng chỉ có Nga (chứ không phải Israel) mới có thể khiến Iran rời khỏi Syria.

"Chẳng có hoạt động quân sự nào có thể khiến Iran rời khỏi Syria. Chỉ có nỗ lực ngoại giao mới có thể đẩy Iran ra khỏi Syria và giải pháp ngoại giao này chỉ đến từ một nhân tố duy nhất, đó chính là Nga", ông Amir Eshel cho biết.

Ông Amir Eshel đưa ra nhận định trên tại cuộc họp thường niên của viện nghiên cứu an ninh quốc gia ở Tel Aviv.

Israel từ lâu đã cảnh báo rằng Iran đang thiết lập sự hiện diện quân sự ở Syria nhằm hình thành mặt trận thứ hai để đe dọa Israel.

Xem thêm >> "Mượn tay" Tổng thống Assad, Israel muốn cùng Nga "hất" Iran khỏi Syria?