Sự kiện

Toàn cảnh đại công trường 270 tỉ bắc qua sông Hồng

Bắt đầu từ ngày 8/8, cầu Thăng Long (Hà Nội) chính thức cấm ô tô để thực hiện dự án sửa chữa cầu. Nhìn từ trên cao, cây cầu trở thành đại công trường giữa sông Hồng.

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được xây dựng từ năm 1974 đến năm 1985. Cầu giàn thép dài 3.250m, gồm 2 tầng với 25 nhịp phần cầu chính và 46 nhịp đường dẫn của đường sắt và đường xe thô sơ. Hai làn cầu riêng biệt rộng 3,5 m mỗi làn dùng cho phương tiện thô sơ.

Phần giữa tầng một là đường dành cho tàu hỏa chạy tuyến Văn Điển - Bắc Hồng và xe máy, xe đạp rộng 11 m. Tầng hai có chiều rộng 21 m dành cho các loại xe cơ giới; hai làn dành cho người đi bộ tham quan.

Bắt đầu từ ngày 8/8, cầu Thăng Long chính thức cấm hoàn toàn ôtô đi qua để thực hiện dự án sửa chữa cầu.

Ghi nhận của phóng viên sáng ngày 17/8 từ trên cao xuống, cây cầu như là 1 đại công trường bắc qua sông Hồng.

Theo đó, dự án sửa chữa cây cầu có mức đầu tư gần 270 tỉ đồng.

Trên mặt cầu được lắp đặt các khung sắt và lắp tôn chắn.

Giải pháp công nghệ sửa chữa mặt cầu lần này là sẽ cào bóc sạch lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép, đồng thời sẽ hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép. Lắp đặt lưới thép và đổ một lớp bêtông siêu tính năng (UHPC) cường độ cao. Sau đó, các đơn vị sẽ thi công lớp phủ gốc nhựa tạo nhám và êm thuận.

Cầu Thăng Long sẽ được gia cường mặt cầu thép trực hướng hiện tại thành mặt cầu liên hợp nhẹ; cào bóc lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép, hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép và lắp đặt lưới thép D10.

Máy múc tiến hành cào bóc lớp bê tông nhựa hiện hữu.

Mặt cầu được tăng cường lớp bê tông siêu tính năng có cường độ chịu nén, dày 6 cm và thảm bê tông nhựa dài 4 cm; thay thế các khe co giãn đã bị hư hỏng bằng khe co giãn ray dạng mô đun.

Chỗ ở lưu động trên các thùng container được huy động lên cầu Thăng Long.

Dự án dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay.