Sự kiện

Toàn cảnh 5 tuyến đường được mệnh danh "đắt nhất hành tinh" ở Hà Nội

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và thực hiện quá trình đô thị hóa, hệ thống đường sá ở Hà Nội được đầu tư nâng cấp với nhiều tuyến phố mới. Trong đó, có rất nhiều con đường có tổng kinh phí xây dựng lên tới hàng nghìn tỉ đồng.

Xếp đầu tiên là tuyến Hoàng Cầu – Voi Phục có chiều dài 2.274m, chạy qua các quận Đống Đa, Ba Đình. Mặt cắt ngang 50m, bao gồm bề rộng mặt đường 31m, hè 16m, dải phân cách 3m. Trong ảnh là đường Hoàng Cầu.

Điểm đầu giao với đường Cát Linh – Đê La Thành – Yên Lãng (Hoàng Cầu), điểm cuối tại nút giao Voi Phục. Hai cầu vượt sẽ được xây dựng tại nút Giảng Võ và Nguyễn Chí Thanh.

Với mức đầu tư hơn 7.200 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng gần 628 tỉ đồng, giải phóng mặt bằng hơn 5.800 tỉ. Theo tính toán, trung bình mỗi m2 mặt đường trên tuyến Hoàng Cầu – Voi Phục có tổng chi phí hơn 3,1 tỉ đồng. Trong ảnh là đoạn Voi Phục.

Trong những tuyến đường “đắt nhất hành tinh” ở Hà Nội, xếp thứ 2 là tuyến Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái.

Mỗi m2 đất mặt đường ở đây có giá khoảng 2 tỉ đồng. Tuyến đường bắt đầu từ ngã tư Lo Đúc – Trần Khát Chân – Kim Ngưu đến điểm giao với đê Nguyễn Khoái.

Đứng thứ 3 là tuyến đường Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy), mỗi m2 mặt đường ở đây trị giá khoảng 1,94 tỉ đồng. Tuyến đường được hoàn thành năm 2015, kết nối các tuyến đường ở quận Cầu Giấy như Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy.

Bên cạnh đó, mới đây dự án cầu vượt nút giao thông giữa đường Hoàng Quốc Việt và Nguyễn Văn Huyên chính thức được thông xe. Cầu vượt này có mức đầu tư 560 tỷ đồng với chiều dài 278m, rộng 16m.

Sau khi hoàn thành, cầu vượt sẽ kết nối 3 quận của nội thành Hà Nội gồm Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy và Tây Hồ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.

Xếp thứ 4 là đường Ô Chợ Dừa (Đống Đa) với mức giá 1,4 tỉ đồng/m2 mặt đường. Hoàn thiện năm 2014, con được này cũng từng được mệnh danh là một trong những con đường “đắt nhất hành tinh” ở Hà Nội.

Tuyến đường dài hơn 500m nhưng có mức đầu tư hơn 800 tỉ đồng, trong đó 2/3 số tiền dùng để bồi thường giải phóng mặt bằng. Hiện nay, đây là nơi  có nhiều hoạt động kinh doanh bán lẻ như cửa hàng thời trang, ăn uống…

Đường Xã Đàn – Kim Liên (Đống Đa) thông xe năm 2010 với mức bồi thường đạt kỷ lục vào thời điểm đó, khoảng 1,16 tỷ/m2 mặt đường xếp cuối bảng.