‘Tòa lâu đài’ ở Sơn La và bài học chi tiêu cho người thân quan chức

Căn biệt thự được xây dựng theo phong cách châu Âu không phải tài sản của ông Hoàng Quốc Khánh - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sơn La như lời đồn, mà thuộc sở hữu của em trai ông Khánh.

 Người thân của ông Khánh - Chủ nhiệm UB Kiểm tra Tỉnh ủy Sơn La khẳng định thông tin ông sở hữu "tòa lâu đài" tại huyện Yên Châu là sai sự thật. 

Gửi ông Hoàng Quốc Hoàn – chủ nhân căn biệt thự đang gây xôn xao dư luận ở Sơn La,

Nếu theo dõi tin tức trên báo chí mấy ngày nay, hẳn ông sẽ rất buồn khi thấy người ta gọi mình là “em trai Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tỉnh” thay vì tên thật và cứ mãi đặt dấu hỏi về đóng góp của anh trai ông với “tòa lâu đài” mà ông đứng tên sở hữu.

Là một doanh nhân từng nhiều năm kinh doanh, buôn bán ở Nga và nay đang làm giám đốc một doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh Sơn La – Chừng ấy thông tin, tuy rất có giá trị nhưng dường như vẫn chưa đủ sức thuyết phục để bảo chứng cho những lời khẳng định của anh trai và chị dâu ông trước báo giới.

Ông biết đấy, làm giàu đã khó, khiến cho người ta tin rằng mình làm giàu chân chính còn khó hơn gấp vạn. Đằng này, mới nghe phong thanh gia đình Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Sơn La có căn nhà hoành tráng, dân tình đã vội vàng cho rằng đó là tài sản của anh trai ông, dù biết không thể xây được một ngôi nhà trị giá 7 – 8 tỷ đồng như thế bằng đồng lương công chức.

Bản thân ông cũng đã lên tiếng giải thích về hoàn cảnh gia đình nhưng những người xa lạ vẫn chỉ tin vào những điều họ muốn nghe. Và theo đánh giá của tôi ở thời điểm hiện tại, 2 “cách làm giàu” nhanh chóng, đáng tin cậy nhất là may mắn trúng Vietlott hoặc ký hợp đồng tình ái với đại gia.

Cũng chẳng trách được số đông đa nghi, hay săm soi “nhà to” bởi thời gian gần đây, không ít sai phạm khó chấp nhận bị “lòi” ra từ những căn biệt thự, biệt phủ xa hoa – hầu hết do cha mẹ, vợ con và anh em quan chức đứng tên sở hữu.

Biết được một quan chức sở hữu khối tài sản “khủng”, nhiều khi “lạc lõng” với tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, họ chỉ nghĩ theo hai hướng: “Tài sản ấy là do làm quan mới có” hoặc “Có tài sản ấy mới được làm quan”. Quan chức hẳn biết rõ điều này, nhưng có lẽ vì nhà đã xây, đất cát đang bày ra trước mắt đều không-phải-là-của-họ, nên chẳng thấy người nào tỏ vẻ “ngại ngùng”. Biệt thự, biệt phủ nhà cán bộ cứ thế nối gót nhau ra mắt thiên hạ, cái sau to đẹp, lộng lẫy hơn cái trước.

Ông Hoàn kính mến, tôi nghĩ rằng đây là một bài học đắt giá với ông và người thân quan chức ở khắp mọi miền Tổ quốc; dù có điều kiện đến mấy cũng phải suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định xây nhà to, để tránh những phiền phức không đáng có cho gia đình mình.

Ừ thì cây ngay không sợ chết đứng, ừ thì xây nhà to còn hơn im ỉm giả nghèo giả khổ, ừ thì cán bộ sở hữu nhà to chưa chắc đã tham nhũng và vô cảm với những người dân nghèo khổ ở ngay bên cạnh mình nhưng người trong cuộc sẽ chẳng thể vui vẻ khi nơi bình yên nhất để nhớ về, để tụ họp bỗng chốc mang bao điều tiếng.

Ai có thể nở nụ cười khi công sức lao động, lăn lộn làm kinh tế bao năm bị người đời quy hết về thành tựu từ hoạt động nuôi lợn và bán chổi?! 

Ký tên

Trương Chi