Đời sống

Tọa đàm giải pháp chăm lo đời sống và bảo vệ an toàn cho người lao động

Hưởng ứng Tháng hành động An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2022, ngày 31/5, tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm “Vai trò công tác ATVSLĐ trong việc thực hiện chương trình phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn sau đại dịch Covid-19".

Tại Tọa đàm, nhiều đại biểu kiến nghị, cần nghiên cứu, rà soát, đánh giá, dự báo về các yếu tố nguy cơ, rủi ro hiện tại và tương lai đối với việc làm của người lao động (NLĐ) hậu đại dịch Covid-19. Trong đó bám sát những khuyến nghị, hướng dẫn, các bộ công cụ của ILO, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về ATVSLĐ để nghiên cứu, áp dụng, cụ thể hóa trong điều kiện của Việt Nam. Đồng thời sửa đổi, bổ sung các chương trình huấn luyện ATVSLĐ hiện hành, bổ sung kiến thức mới về nhận diện, đánh giá các nguy cơ hiện hữu và tương lai, các biện pháp chủ động phòng ngừa, ứng phó, không để xảy ra những tình huống bất ngờ, mất kiểm soát…

Theo ông Nguyễn Khánh Long, Trưởng Phòng Chính sách Bảo hộ lao động, Cục An toàn lao động (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội), để góp phần bảo đảm hiệu quả, bền vững Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ hậu Covid-19, các cơ quan, đơn vị chức năng cần tổ chức rà soát, đánh giá những nội dung chính sách, pháp luật hiện hành về ATVSLĐ. Trong đó cần tập trung làm rõ những điểm còn hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với xu thế chung của thế giới, gây hạn chế, khó khăn cho doanh nghiệp và NLĐ trong việc tuân thủ.

quyền Viện trưởng Viện Khoa học ATVSLĐ Nguyễn Anh Thơ cho rằng, các nghiên cứu, báo cáo khảo sát đã xác định rõ từng nguy cơ, rủi ro đối với an toàn sản xuất, an toàn cháy nổ, môi trường, sức khỏe nghề nghiệp, nguy cơ lây mắc Covid-19, cũng như các yếu tố về sinh học hóa chất hay bất kỳ nguy cơ gây tai nạn, sự cố, bệnh tật nào khác. Đồng thời phân tích, đưa ra biện pháp, cách thức quản trị các rủi ro để phòng ngừa hiệu quả tai nạn, sự cố sản xuất, cháy nổ, ô nhiễm môi trường.

Từ thực tế đó, ông Nguyễn Anh Thơ cho rằng, được làm việc trong môi trường an toàn, NLĐ mới yên tâm làm việc, nâng cao năng suất lao động, góp phần vào sự phát triển ổn định của doanh nghiệp, phục hồi kinh tế và phát triển bền vững đất nước.

Tại buổi Tọa đàm, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đề cập là sức khỏe tâm thần của NLĐ sau dịch Covid-19. Theo Tiến sĩ Đoàn Ngọc Xuân, Vụ trưởng Vụ Xã hội - Ban Kinh tế Trung ương), trong năm 2020, thế giới có thêm 76,2 triệu ca rối loạn lo âu và 53,2 triệu ca rối loạn trầm cảm, tương đương mức tăng 27,6% so với năm trước đó. Đại dịch Covid-19 đã làm tăng gần 1/3 số người mắc chứng rối loạn trầm cảm và lo âu ở hơn 200 quốc gia trên thế giới.

“Các rối loạn sức khỏe tâm thần sẽ làm gia tăng nguy cơ về các chứng bệnh khác và tình trạng tự tử. Không chỉ vậy, cường độ lao động ngày càng cao, do mức độ cạnh tranh ngày càng quyết liệt. “Tất cả điều đó kéo theo khả năng gia tăng nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nếu công tác ATVSLĐ không làm tốt”, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Xuân nói.

Buổi tọa đàm là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thiết thực hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng hành động về AT-VSLĐ năm 2022”, các đại biểu tham dự đã có những bài phát biểu, trao đổi sôi nổi, thẳng thắn về những bất cập, những khó khăn cũng như đưa ra những giải pháp về công tác an toàn vệ sinh lao động. Một trong số các đại biểu cho rằng, để triển khai có hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế - xã hội ở Việt Nam, cần phải có cách tiếp cận vừa có tính chất toàn cầu, vừa có tính chất quốc gia, cụ thể phải làm tốt công tác thông tin, dự báo về xu thế toàn cầu hoá và tác động tích cực hay tiêu cực của nó về ATVSLĐ như thế nào đến việc làm của NLĐ; bám sát khuyến nghị của ILO về cách tiếp cận liên ngành đối với công tác ATVSLĐ nhằm mục đích tập hợp các lĩnh vực như lao động, việc làm, ATVSLĐ; bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước & Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ

Hà Anh