Tiêu điểm thế giới

Tố Mỹ điều khiển UAV tấn công căn cứ ở Syria, Nga muốn "ngầm dằn mặt" Israel?

Việc Nga bất ngờ tố Mỹ từng tấn công căn cứ Khmeimim xuất phát từ việc Moscow nắm được thông tin cho rằng, Israel đang chuẩn bị không kích Syria trở lại sau 5 tuần im ắng.

Mỹ bị tố chủ mưu tấn công căn cứ Nga ở Syria bằng UAV.

Thông điệp ẩn của Nga

Trong tuyên bố đưa ra hôm 25/10, Moscow cáo buộc trinh sát cơ của Mỹ đã thực hiện một đợt tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) vào căn cứ không quân Syria của Nga hồi đầu năm nay.

Thông tin trên được đưa ra bởi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Alexander Fomin, người tuyên bố rằng căn cứ không quân Khmeimim của Nga ở Syria đã bị tấn công bởi máy bay không người lái do trinh sát cơ Poseidon 8 của Mỹ điều khiển hôm 6/1.

Theo trang phân tích DEBKAfile, tuyên bố của Nga trên thực tế mang mục đích cảnh báo và ngăn chặn việc triển khai máy bay trinh sát của Mỹ-Anh trong nhiệm vụ đánh giá năng lực tác chiến điện tử và hệ thống phòng không mới của nước này tại Syria.

"Đây là dữ liệu rất đáng báo động", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với giới truyền thông. "Không có gì để hoài nghi về kết luận này, một phân tích thích hợp sẽ được thực hiện bởi quân đội của chúng tôi".

Khi được hỏi liệu vấn đề sẽ được nêu ra tại hội nghị thượng đỉnh Trump-Putin dự kiến ​​sẽ diễn ra vào ngày 11/11 tại Paris hay không, ông Peskov đã không loại trừ khả năng có thể.

Theo nguồn tin của DEBKAfile, lời cáo buộc của Nga trong việc Mỹ tấn công căn cứ Khmeimim bằng UAV cũng được nhắc đến trong cuộc hội đàm giữa quan chức nước này với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton ở Moscow trong hai ngày đầu tuần vừa qua.

Theo giới phân tích, lời buộc tội của Nga là thực sự nghiêm trọng. Trên thực tế nhóm khủng bố Hay'at Tahrir al-Sham luôn được cho là chủ mưu các cuộc tấn công bằng UAV liên tục vào căn cứ Khmeimim, nhưng Moscow chưa bao giờ buộc tội Mỹ liên quan trực tiếp đến vụ việc.

Tờ DEBKAfile nhận định, cáo buộc của Nga vào thời điểm này là hoàn toàn có mục đích đằng sau. Bên cạnh đó, lời cáo buộc còn ảnh hưởng trực tiếp đến Israel, hay đúng hơn là lực lượng không quân của nước này.

Theo đó, cáo buộc của Nga được cho là để Mỹ và Anh ngừng lại các đợt triển khai máy bay trinh sát diễn ra trong vài ngày qua, dọc theo bờ biển Địa Trung Hải của Syria và biên giới giữa Israel, Jordan với Syria.

Các nguồn tin quân sự nói rằng, các nhiệm vụ này của Mỹ, Anh, nhằm mục đích đánh giá hiệu quả tên lửa phòng không S-300 của Nga và các hệ thống tác chiến điện tử mới được triển khai ở nhiều nơi khác nhau trên lãnh thổ Syria.

Những thông tin thu thập được sẽ kết luận xem khí tài của Nga gây nguy hiểm như thế nào đến máy bay chiến đấu của Mỹ và Israel đang hoạt động trong không phận Syria.

Đã 5 tuần kể từ khi Israel ngừng các cuộc không kích chống lại Iran ở Syria do miễn cưỡng phải xoa dịu tình hình sau vụ trinh sát cơ IL-20 của Nga bị bắn rơi hôm 17/9.

Tuy nhiên, DEBKAfile dẫn các nguồn tin cho biết, Nga tuần này đã thu thập được thông tin về việc Israel đã có những kế hoạch để tiếp tục không kích trở lại.

Bởi vậy, Moscow đã đưa ra cáo buộc người Mỹ sử dụng máy bay trinh sát Poseidon chỉ huy một cuộc tấn công nhằm vào căn cứ không quân của mình ở Syria, chủ yếu để ngăn Israel và lực lượng không quân quay trở lại bầu trời Syria – ít nhất là đến trước khi Tổng thống Vladimir Putin và Donald Trump gặp nhau vào tháng sau.

Nga muốn giữ yên Syria cho đến khi cuộc gặpTrump-Putin diễn ra vào tháng 11.

Tại sao Điện Kremlin lại cảm thấy lo lắng về việc hai sự kiện này xung đột nhau? Theo DEBKAfile, người Nga có thể vẫn nhớ về những kinh nghiệm trong quá khứ.

Vào tháng 12/1987, tức là 31 năm trước, ngay trước khi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev gặp nhau, Mỹ và Israel quyết định bỏ qua các mối đe dọa của Nga tại Syria và tiến hành các cuộc đối đầu giữa lực lượng Syria với sự hỗ trợ của Nga và chiến đấu cơ của Israel.

Sự kiện đã trở thành một bài kiểm tra hệ thống tác chiến điện tử giữa hai bên hoạt động thực tế như thế nào và ai sẽ là người trội hơn. Tuy nhiên, sự kỳ vọng của Liên Xô về việc nắm được ưu thế lớn hơn trong thượng đỉnh với Mỹ đã bị ảnh hưởng sau khi máy bay nước này bị Israel bắn hạ.

Với một hội nghị thượng đỉnh khác sắp tới, người Nga đang chờ đợi xem Israel có quyết định liều lĩnh thử sức một lần nữa trên bầu trời Syria hay cố gắng tránh rủi ro.

Mỹ liều lĩnh khiêu khích

Bình luận về tuyên bố của Nga về việc trinh sát cơ của Mỹ chịu trách nhiệm điều phối cuộc tấn công vào căn cứ không quân Hmeymim ở Syria, chuyên gia về Trung Đông Hossein Rouivaran lưu ý rằng sự khiêu khích như vậy có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

"Đây là một chiến thuật mới của Mỹ. Họ kiểm soát các máy bay không người lái tấn công căn cứ quân sự của Nga ở Syria. Gần đây đã có rất nhiều vụ việc tương tự. Những vụ khiêu khích ở Mỹ có thể làm tăng căng thẳng và thậm chí dẫn đến chiến tranh. Chiến thuật đó là khá liều lĩnh. Mỹ đang chơi đùa với lửa", ông nói.

Theo Rouivaran, Nga có thể bảo vệ căn cứ của mình ở Syria, nhưng nếu Mỹ tiếp tục tiến hành một cuộc tấn công như vậy, nó sẽ không khác gì “tuyên bố chiến tranh một cách gián tiếp”.

Hasan Hanizadeh, từng là nhà phân tích của Mehr News Agency cho biết, Mỹ đã xây dựng căn cứ ở phía Đông Euphrates và vùng Abu Kamal của Deir ez-Zor để chống lại Nga và Iran.

"Bằng cách tiến hành khiêu khích, Mỹ đang tạo tiền đề để đẩy Nga và Iran ra khỏi Syria. Một trong những cuộc khiêu khích mới nhất của Mỹ là cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Hmeymim. Hiện tại, họ còn đang hỗ trợ cho các chiến binh cực đoan ở vùng Abu Kamal", ông nói thêm.

Hanizadeh cho rằng các cuộc khiêu khích của Mỹ sẽ chỉ dẫn đến việc Nga và Iran đoàn kết lại để tiến hành một phản ứng chung với Washington.