Kinh tế vĩ mô

TMĐT xuyên biên giới - mở “luồng xanh” đưa hàng hóa Việt ra thế giới

Trong bối cảnh đại dịch, khi kênh xuất khẩu truyền thống đang gặp những khó khăn nhất định thì thương mại điện tử trở thành một trong những giải pháp tốt.

Phát triển sàn thương mại điện tử xuyên biên giới

Theo báo cáo chuyên đề về “Triển khai sàn thương mại điện tử xuyên biên giới để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt ra thế giới, góp phần phát triển kinh tế số của Việt Nam” do Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cung cấp, tại Quyết định số 645 ngày 15/5/2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Một trong những nội dung trọng tâm được đưa ra trong kế hoạch đó là đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các địa phương; xây dựng gian hàng quốc gia trên một số sàn thương mại điện tử lớn của thế giới, tổ chức các không gian hàng Việt là nơi tập trung các thương hiệu uy tín, có hàm lượng nội địa hóa cao, được cơ quan quản lý nhà nước thẩm định và đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam và thế giới.

Thông tin từ Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, công tác chuẩn bị của Bộ Công Thương về phát triển sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, trong khuôn khổ hợp tác cấp Chính phủ về thương mại điện tử giữa Bộ Công Thương và Bộ Thương mại Trung Quốc, nội dung xây dựng “Gian hàng quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử lớn tại Trung Quốc đã được hai bên thống nhất từ năm 2019 - 2020.

Thương mại điện tử xuyên biên giới đang trở thành xu thế mạnh mẽ trong thương mại điện tử nói chung (Ảnh minh hoạ).

Những tín hiệu tích cực từ “Gian hàng Việt trực tuyến” trong nước triển khai thời gian qua là nền tảng để xây dựng chương trình đưa hàng Việt đến với các thị trường nước ngoài thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Sự kiện xuất khẩu thí điểm thành công vải thiều Bắc Giang thông qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới do Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số hợp tác với Tổng Công ty Bưu chính Viettel - Viettel Post trong vụ vải thiều năm nay là một dấu mốc quan trọng đối với ngành thương mại điện tử Việt Nam trong việc đưa các sản phẩm nông sản tươi chất lượng cao sang thị trường nước ngoài có nhiều tiêu chuẩn khắt khe như châu Âu.

Thời gian tới, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số chủ trì phối hợp với các đối tác lớn trong và ngoài nước như Sàn thương mại điện tử lớn và uy tín hàng đầu của Trung Quốc JD.com, Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post)… để tổ chức xây dựng “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com, đảm bảo hàng hoá của doanh nghiệp xuất khẩu trên “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” được phân phối tới tận tay người tiêu dùng Trung Quốc. Mô hình này đã được nhiều quốc gia áp dụng trong thời gian qua…

Bên cạnh đó, với tư cách là đối tác đồng hành với Thương mại Điện tử và Kinh tế số từ các chương trình phát triển thương mại điện tử trong nước từ nhiều năm qua, Viettel Post sẽ vẫn tiếp tục đồng hành với Cục trong việc hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong xuất khẩu cũng như tư vấn vận hành và logistics ở một số thị trường nước ngoài:Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ . . .

Thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá Việt ra thế giới

Về định hướng phát triển Sàn giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho biết, nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt ra thế giới, góp phần phát triển kinh tế số, thương mại điện tử xuyên biên giới là nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu và là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc.

Có thể nói, Thương mại điện tử xuyên biên giới đang trở thành xu thế mạnh mẽ trong thương mại điện tử nói chung. Đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch, khi kênh xuất khẩu truyền thống đang gặp những khó khăn nhất định thì thương mại điện tử nói chung hay thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng đã trở thành một trong những giải pháp tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu duy trì hoạt động kinh doanh và phát triển bền vững. Đây cũng là cơ hội mới giúp các mô hình thương mại điện tử dần gắn với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, trở thành kênh xuất khẩu mới, bổ sung bên cạnh các kênh xuất khẩu truyền thống, có tính lan tỏa và mở rộng tập khách hàng.

Mở “luồng xanh” đưa hàng hóa Việt Nam ra thế giới (Ảnh minh hoạ).

Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh, thương mại điện tử xuyên biên giới là mở “luồng xanh” đưa hàng hóa Việt Nam ra thế giới, mở ra tiềm năng lớn về kênh bán hàng mới trong giao thương quốc tế, góp phần phát triển kinh tế số Việt Nam.

Và “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” sẽ là không gian hàng hoá Việt đầu tiên trên nền tảng thương mại điện tử tại thị trường Trung Quốc nói riêng và trên sàn thương mại điện tử quốc tế nói chung do Cơ quan phía Việt Nam (Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) chủ trì triển khai qua phương thức thông thương mại điện tử xuyên biên giới. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều mặt từ vận hành, logistics, hỗ trợ tài chính và quảng bá hình ảnh ngay tại thị trường quốc gia nhập khẩu từ các cơ quan chức năng cũng như các đối tác của chương trình.