Dân sinh

Tinh thần “võ Hổ” giúp chàng trai lang bạt kỳ hồ tìm được lẽ sống

Võ thuật không đơn thuần là một môn thể thao mà còn là nguồn cảm hứng để nhiều người thay đổi thái độ sống, hướng đến những điều tốt đẹp, tích cực hơn.

Mê kiếm hiệp Kim Dung, từng kết thân với giang hồ “khét tiếng”

Câu chuyện của Nguyễn Quốc Pháp (SN 1982), một võ sư môn võ Hổ là một dẫn chứng về điều tích cực mà võ thuật mang lại. Pháp sinh ra ở thôn Phú Khê, xã Phú Dương, Tp.Huế - là cái nôi sản sinh ra của nhiều phái võ cổ truyền của dân tộc.

Võ sư Nguyễn Quốc Pháp với thế võ Ngọc Trản quyền.

Đam mê võ thuật từ nhỏ, khi đang còn tuổi đi học, Pháp đã đạp xe khắp khu vực huyện lỵ và cả Tp.Huế để bái sư học nhiều phái võ. Với tinh thần ham học hỏi đã giúp cậu bé Pháp thu nạp được nhiều chiêu thức và võ đức của các võ phái như: Võ Kinh Vạn An, Bạch Hổ Sơn quân phái…

Năm 2003, sau khi tốt nghiệp đại học, chàng thanh niên Nguyễn Quốc Pháp với ảnh hưởng từ các câu chuyện kiếm hiệp Kim Dung, cùng đam mê võ thuật muốn lang bạt kỳ hồ để học các bí kíp võ thuật đã quyết định khăn gói vào Sài Gòn lập nghiệp. Tại đây, với tài năng võ thuật của mình, Pháp sớm được các đại ca giang hồ xứ Sài Thành để ý và muốn thu nạp về các băng nhóm.

Lúc này, Pháp kết thân với một đại ca giang hồ “khét tiếng” ở quận 7 và thường xuyên cùng người này sang đất Campuchia tỉ thí võ nghệ kiếm tiền. “Khoảng thời gian đi xứ người đấu võ ‘lậu’ ấy, tôi đã tiếp xúc với rất nhiều hạng người. Cũng chính sự trải nghiệm này đã giúp tôi thấm nhuần hơn tinh thần võ đức mình học được trước đó. Đặc biệt là của Hổ Quyền đạo”, Pháp chia sẻ.

Theo chàng trai 8X, người phương Đông quan niệm, hổ là hình ảnh uy nghi, đầy ấn tượng. Loài vật này tượng trưng cho sức mạnh, và dân gian cũng đã thần thánh hóa hổ - phong cho nó sứ mạng thiêng liêng có khả năng diệt trừ được ma qủy. Còn trong võ thuật, hổ là tượng hình dũng mãnh nhưng cũng rất uyển chuyển, linh hoạt thuộc hệ thống ngũ hình quyền gồm: Long, Hổ, Hạc, Báo, Xà.

Khi luyện võ, trí lực là một trong những khái niệm đầu tiên cần học. Nguyễn Quốc Pháp cho rằng, đối thủ lớn nhất không phải nghịch cảnh, mà chính là tâm trí của chúng ta. Nhờ việc luyện võ Hổ Quyền Đạo đã giúp anh từ bỏ các cám dỗ của thế giới ngầm và vượt qua những trở ngại bằng sức mạnh tinh thần, ý chí tiến lên phía trước như một mãnh hổ.

“Mỗi người trong chúng ta phải trải qua nghịch cảnh vào một thời điểm nào đó trong đời. Những khó khăn có thể đánh bại chúng ta hay không là do bản thân mỗi người quyết định, và sức mạnh tinh thần sẽ giúp ta chiến thắng ngay cả trong những giờ phút đen tối nhất của cuộc đời”, Pháp bộc bạch.

Và, dù cuộc sống đấu võ thời điểm ấy luôn đầy đủ, được nhiều người ca tụng, nhưng chàng trai thích phiêu bạt giang hồ năm nào đã quyết định từ bỏ để sống đúng với tinh thần và môn điều võ hổ là không lợi dụng võ thuật để làm những điều trái với lương tâm.

Giã từ Sài Gòn phồn hoa, náo nhiệt, Pháp trở lại mảnh đất Cố đô, tiếp tục rèn luyện tu dưỡng bản thân, dùng tài năng võ thuật của mình kiếm sống bằng nghề vệ sĩ, với tâm niệm đem võ thuật để giúp mình, gia đình và xã hội.

Đến năm 2016, sau khoảng thời gian làm nghề có uy tín, Pháp đã trở thành một võ sư chính tông và thành lập riêng một công ty bảo vệ của mình với cái tên mà võ đức ảnh hưởng quá lớn đến cuộc đời anh: Bạch Hổ.

Ngoài rèn luyện võ cho nhân viên, Pháp còn lan toả tinh thần võ hiệp của Hổ Quyền Đạo đến nhân viên của mình.

Hiện Pháp đã tạo công ăn việc làm cho hơn 200 lao động làm nghề vệ sĩ ở Thừa Thiên-Huế. Nhiều cơ sở bệnh viện, trung tâm thương mại, khu đô thị đã tìm đến công ty của Pháp vì sự uy tín, chất lượng và sự nhiệt huyết với nghề.

Hổ Quyền Đạo lấy võ đức làm căn bản!

Ở Thừa Thiên - Huế nói chung và Tp.Huế nói riêng có khoảng 15 môn phái võ cổ truyền như Việt Võ Đạo, Bạch Hổ Sơn Quân Phái, Nga My, Hầu Quyền Đạo, Hổ Quyền Đạo, Thiên Mục Sơn, Thiếu Bảo, Nam Sơn, Thiếu Lâm Vạn An, Hắc Hổ Ly Sơn, Võ Kinh Vạn An… Trong đó, Hổ Quyền Đạo là một trong những môn phái được nhiều người biết đến, theo học trên mảnh đất Cố đô.

Võ Ta - Hổ Quyền Đạo cũng chính là môn phái gốc nơi Nguyễn Quốc Pháp gắn bó, rèn luyện, dưỡng tính.

Theo võ sư Đoàn Phú, Chưởng môn Võ Ta - Hổ Quyền Đạo, sư phụ của Pháp, Tổ sư chính của môn phái là danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh - một bậc khai quốc công thần thượng cấp của Triều Nguyễn. Trên đường mở cõi phương Nam, danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh đã để lại một chi nhánh dòng họ Nguyễn Hữu hiện có nhà thờ Phái tại thôn Mai Xuân, làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, Tp.Huế, tỉnh Thừa thiên - Huế. Tại đây, nhiều võ phái cổ truyền có nguồn gốc từ danh tướng Nguyễn Hửu Cảnh được hình thành như: Võ phái Bạch Hổ Sơ Quân do cố võ sư Nguyễn Hữu Cẩn sáng lập, võ phái Võ Kinh Vạn An hiện đang do võ sư Trương Quang Kim điều hành. Các bài bản võ hổ do bà Nguyễn Hữu Thị Trúc (chị gái ruột của cố võ sư Nguyễn Hữu Cẩn) truyền khẩu và đã được võ sư Đoàn Phú soạn lục lưu truyền với tên gọi là Võ Ta - Hổ Quyền Đạo. Môn phái này được chứng nhận là thành viên chính thức của Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Thừa Thiên - Huế vào năm 2015.

Võ sư Đoàn Phú (bên trái).

Trong các môn phái võ đều có mục đích, tôn chỉ, môn quy, những điều tâm niệm để giáo dục võ sinh, đó là thông điệp mà các bậc võ sư gửi gắm trong từng bài võ để nói lên tinh thần đạo đức trong võ thuật.

Võ Ta - Hổ Quyền Đạo cũng vậy. Võ sư Đoàn Phú cho biết, trong ngũ điều môn quy trước hết phải nêu cao danh dự, quyết tâm làm sáng danh môn Phái, lấy võ đức làm cơ bản, thanh thản tâm hồn làm trọng và Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Dũng làm phương châm. Đồng thời, ngoài chí tâm rèn luyện võ thuật để giữ gìn, nâng cao sức khỏe, tự vệ khi cần thiết, phát triển võ thuật bản phái, thì tuyệt nhiên không lợi dụng võ thuật để làm những điều trái với lương tâm. Đặc biệt, không lừa thầy, phản bạn, kính thầy như cha mẹ, xem bạn đồng môn như cốt nhục.

Người học võ phải luôn tự kiềm chế mình, nhường nhịn để tránh dùng vũ lực, đó chính là sự rèn luyện võ đạo. Người võ sĩ thấm nhuần tinh thần võ học phải là người hiếu hòa, khiêm nhường, có thể đánh thắng đối thủ, nhưng không đánh mà dùng cách ôn hòa để giải quyết, đó là tinh thần thượng võ.

Các võ sinh của Hổ Quyền Đạo trong một buổi tập.

“Học Võ Ta - Hổ Quyền Đạo là con đường thông qua tập luyện võ để tự hoàn thiện mình có: Một võ Tâm thanh thản, một võ Dũng kiên định lập trường và thần thái ung dung, cốt cách đĩnh đạt, một võ Đức cao thượng, một võ Nhân từ ái, công bằng, một võ Trí thấu đáo mọi lẽ để xử sự hợp lý, một võ Lễ khiêm nhường, một võ Nghĩa cao cả và một võ Tín trung thực…”, võ sư Đoàn Phú nhấn mạnh.

Ngoài tự chính mình đào tạo ra các vệ sĩ linh hoạt võ thuật, Pháp còn lan toả tinh thần võ đức của Hổ Quyền Đạo đến các nhân viên của mình. “Hổ là chúa tể sơn lâm. Dân gian xem hổ là hình tượng bảo vệ muôn loài trong khu rừng của mình. Làm nghề vệ sĩ cũng vậy, cần mang tinh thần của hổ dũng mãnh, nhưng trung thực, thật thà, và trên hết là luôn điềm tĩnh, uyển chuyển, linh hoạt trong xử lý tình huống nhằm đảm bảo sự an toàn nhất cho đối tượng mình đang bảo vệ”, võ sư Nguyễn Quốc Pháp tâm niệm.

Lê Kông