Đối thoại

Tinh thần khởi nghiệp là "ngôi sao sáng" của quốc gia

Trong bối cảnh Covid-19 đầy thách thức, sức sống của doanh nghiệp và tinh thần khởi nghiệp kinh doanh của người dân Việt Nam, nổi lên như một điểm sáng.

“Điểm sáng” trong bối cảnh khó khăn

Phát biểu tại Festival Khởi nghiệp 2022 ngày 19/1, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định, hoạt động khởi nghiệp và khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với những sản phẩm công nghệ, nền tảng công nghệ hữu ích cho cuộc sống. 

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương

Cụ thể, năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 về chỉ số ĐMST toàn cầu. Hệ sinh thái khởi nghiệp. Việt Nam xếp hạng 59/100 quốc gia. Hệ sinh thái TP. HCM tăng 46 bậc, xếp vị trí 179; Hà Nội tăng 5 bậc lên vị trí 191.

Cùng chung quan điểm, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, chúng ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khi Covid -19 diễn biến hết sức phức tạp, nhiều tỉnh thành trong cả nước vừa phải oằn mình chống dịch vừa nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để duy trì và phát triển kinh tế.

Đặc biệt, trong quý III/2021, lần đầu tiên trong lịch sử kinh tế Việt Nam tăng trưởng âm hơn 6%, Chủ tịch VCCI nhận định thế giới đang trở nên mong manh hơn trước yêu cầu phát triển bền vững.

Mặc dù trong bối cảnh khó khăn vậy, ông cho rằng vẫn có những “điểm sáng” nổi lên, đó là sức sống của doanh nghiệp Việt Nam và tinh thần khởi nghiệp kinh doanh của người dân Việt Nam.

Để minh chứng cho điều này, ông chỉ ra những con số, trong năm 2021, nền kinh tế đón nhận 116.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, 43.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2021 lên đến gần 160.000 doanh nghiệp.

“Điều đó cho thấy nỗ lực tái cấu trúc và thích ứng của khu vực doanh nghiệp trong nền kinh tế, cũng như tinh thần khởi nghiệp kinh doanh của người dân, doanh nghiệp Việt Nam vô cùng mạnh mẽ”, Chủ tịch VCCI khẳng định.

Tinh thần khởi nghiệp giúp Việt Nam có bước tiến dài

Ở tầm chiến lược, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, theo Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị đã xác định tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp ĐMST thuộc nhóm đầu châu Á.

Mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp ĐMST thuộc nhóm đầu châu Á

Đồng thời, tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị cũng đã đề ra một số chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, đặc biệt là khởi nghiệp ĐMST.

Bên cạnh đó, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 phấn đấu là nước đang phát triển có mức thu nhập cao và năm 2045 trở thành nước phát triển với mức thu nhập cao.

Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước kỳ vọng mọi tầng lớp nhân dân, mọi tổ chức khơi dậy ý chí tự lực tự cường, trong đó phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ đột phá chiến lược.

Dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI khẳng định, xây dựng doanh nghiệp vững và mạnh là góp phần xây dựng quốc gia thịnh vượng. Bên cạnh đó là sứ mệnh liên kết, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, các hiệp hội doanh bền vững văn minh hội nhập và ngang tầm thế giới. Chung tay đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, phồn vinh, hạnh phúc vào năm 2045. 

"Xây dựng doanh nghiệp vững và mạnh là góp phần xây dựng quốc gia thịnh vượng", Chủ tịch VCCI

“Đây là mục tiêu cũng là khát vọng của người dân Việt Nam”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Để đạt được điều này, ông cho rằng không thể thiếu tinh thần khởi nghiệp kinh doanh, sáng tạo của người dân, doanh nghiệp đưa Việt Nam có bước tiến dài, tham gia nhóm các quốc gia phát triển sau 25 năm nữa. 

Mặt khác, trong thời gian tới, Ban Kinh tế Trung ương cũng đã đề nghị chương trình tiếp tục đổi mới, cải thiện nội dung và hình thức, tạo ra những điểm khác biệt, bản sắc riêng, đồng thời gắn với thực tiễn góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, trước hết gắn với chiến lược phục hồi kinh tế.

Đồng thời, Ban Kinh tế Trung ương cam kết đồng hành hỗ trợ chương trình, kịp thời phối hợp với Ban, Bộ ngành Trung ương kịp thời có những kiến nghị tham mưu với Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ… về các chủ trương, chính sách để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.