Đời sống

Tình hình sức khỏe bệnh nhân nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người” ở Đắk Nông

Sau gần 1 tuần điều trị, bệnh nhân nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người" Whitmore ở tỉnh Đắk Nông đã tỉnh táo và tiếp xúc tốt.

Bệnh nhân là T.V.S (SN 1957), trú tại xã Nam Dong, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông. Cách đây 2 tháng, bệnh nhân nổi một khối u trên đầu nhưng không đau.

Cách đây một tuần, khối u sưng to, đau nên bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh khám, điều trị và xét nghiệm có vi khuẩn gây bệnh Whitmore. Sau đó bệnh nhân được chuyển qua Bệnh viện đa khoa Vùng Tây Nguyên.

Theo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, ngày 19/4, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân T.V.S. trong tình trạng xuất hiện nhiều ổ áp xe trong cơ thể.

Bệnh nhân đã được phẫu thuật nội tạng cách đây khoảng 10 năm, phẫu thuật lách cách đây 2 năm trên nền bệnh tiểu đường. Nhiều năm qua, bệnh nhân liên tục có các ổ mủ xì ra ngoài da, mặc dù đã đi điều trị nhiều nơi nhưng không thuyên giảm.

Theo đánh giá bệnh nhân mắc Whitmore với biểu hiện áp xe nặng. Để điều trị dứt điểm bệnh cần thời gian từ 3 - 6 tháng. Vì bệnh nhân mắc đái tháo đường, cơ địa suy giảm miễn dịch nên quá trình điều trị sẽ khó khăn hơn.

Whitmore là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi trùng có tên khoa học là Burkholderia pseudomallei gây ra. Vi khuẩn này sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập chủ yếu qua da. Bệnh này có thể gây loét và hoại tử trên cơ thể nên người dân hay gọi đây là bệnh “vi khuẩn ăn thịt người”.

Với trường hợp mắc bệnh ở Đắk Nông, qua đánh giá thực tế về môi trường nhà ở của bệnh nhân và các hộ lân cận, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Nông biết công tác vệ sinh không đảm bảo, chăn nuôi gia súc sát cạnh nhà, chất thải, nước thải sinh hoạt không được xử lý theo quy định…

Ngoài ra, theo cơ quan này, đây là trường hợp mắc bệnh Whitmore đầu tiên trên địa bàn tỉnh và chưa thể xác định được nguồn truyền bệnh. Whitmore có thời kỳ ủ bệnh kéo dài và khó xác định nên không loại trừ khả năng bệnh nhân bị nhiễm bệnh từ địa bàn khác.

Trong lúc chờ kết quả xét nghiệm nguồn nước và mẫu máu để có phương án xử lý tiếp theo, ngành y tế thực hiện khử khuẩn chuồng trại tại hộ gia đình và một số hộ lân cận bằng vôi bột, phun hoá chất khử khuẩn cloramin B. Đồng thời, người dân được hướng dẫn thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, khu lao động, vệ sinh cá nhân và an toàn thực phẩm.

CDC tỉnh cũng kiến nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên hướng dẫn thêm về công tác chuyên môn hỗ trợ tỉnh Đắk Nông trong việc xác định nguồn lây truyền bệnh.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cùng các đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh Whitmore, khuyến cáo người dân thông báo ngay cho ngành y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Minh Hoa (t/h theo Zing News, Lao Động)