Dân sinh

Tinh dầu tràm mang “thương hiệu” của anh nông dân

Anh nông dân Huỳnh Khánh Lập ngày đêm trăn trở tìm cách khai thác hiệu quả hơn giá trị của cây tràm. Từ đó, tinh dầu tràm Khánh Lập đã ra đời.

Tận dụng tiềm năng và lợi thế tại địa phương

Bỏ ngang việc học khi mới lớp 9 , anh Huỳnh Khánh Lập, ngụ ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã dành thời gian 10 năm để mày mò, nghiên cứu làm tinh dầu từ lá tràm.

Theo lời tâm sự của anh Lập, anh vốn là con nhà nông và gắn bó với cây tràm từ nhỏ nên cây tràm được xem là sinh kế chính của gia đình. Kể từ đó, anh vẫn ngày đêm trăn trở tìm cách khai thác hiệu quả hơn giá trị của cây tràm. Càng tìm hiểu về cây tràm, về rừng tràm, anh ngày càng say mê.

Chia sẻ về cơ duyên đến với việc sản xuất tinh dầu tràm, anh Lập nhớ lại, cách đây 10 năm, khi còn là cán bộ đoàn của xã Trần Hợi, anh đã có cơ duyên gặp được một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong việc làm tinh dầu. Cũng từ đây, anh xác định tinh dầu tràm là hướng đi lâu dài của mình.

Anh nông dân đam mê nghiên cứu làm tinh dầu tràm.

Vừa kết hợp với kiến thức của chuyên gia, anh Lập vừa tự lên mạng mày mò, nghiên cứu để làm tinh dầu tràm. Do chưa có kinh nghiệm, nên anh Lập liên tiếp thất bại, tinh dầu làm ra không đạt hoặc không đáp ứng trữ lượng như mong muốn.

Có lúc, anh mua hàng tấn lá tràm nguyên liệu, nhưng sản phẩm chưng cất xong phải bỏ đi. Sau đó, vì nhiều lý do anh đành gác lại việc sản xuất tinh dầu tràm. Mãi đến đầu năm 2020, anh Lập mới làm chủ hoàn toàn quy trình chưng cất, cho ra sản phẩm tinh dầu tràm đồng nhất về chất lượng.

Thương hiệu ở “xứ sở” cây tràm

Anh Lập chia sẻ: “Sau thời gian rút kinh nghiệm thì trữ lượng tinh dầu làm ra đảm bảo hơn. Nếu như trước đây, 1 tấn lá tràm làm ra chưa tới 1 lít tinh dầu thì nay làm ra hơn 1 lít. Chất lượng tinh dầu làm ra cũng đã được cơ quan chuyên môn kiểm chứng”.

Để có được sản phẩm tinh dầu tràm được thị trường chấp nhận như hiện nay, anh Lập cho biết, sau khi chưng cất được tinh dầu phải gửi mẫu lên Trung tâm Khoa học công nghệ dược Sài Gòn (thuộc Đại học Y Dược TP.HCM) để phân tích. Khi mẫu ổn, anh đã đăng ký logo và thương hiệu độc quyền.

Anh Lập cho biết: “Lá tràm tươi để làm tinh dầu phải được hái trong ngày để đảm bảo chất lượng. Sau khi được rửa sạch, lá tràm được chưng cất trong chiếc nồi do tôi tự thiết. Sau quá trình chưng cất khoảng 6 tiếng thì mới cho ra tinh dầu tràm. Với khoảng 200kg lá tràm nguyên liệu có thể cho ra khoảng 250 ml tinh dầu”.

Không chỉ dừng lại ở việc chưng cất tinh dầu từ lá tràm, anh Lập còn tiến xa hơn khi sản xuất thành công mặt hàng tinh dầu sả.

Anh cho biết thêm, trung bình mỗi tháng, nếu sản xuất hết công suất, anh có thể làm ra khoảng 5 lít tinh dầu tràm. Hiện sản phẩm của anh Lập được đóng gói dạng 10ml, 20ml, 30ml và 50ml; mỗi 10ml được bán với giá 80.000 đồng.

Không chỉ dừng lại ở việc chưng cất tinh dầu từ lá tràm, anh Lập còn tiến xa hơn khi sản xuất thành công mặt hàng tinh dầu sả và các gian hàng giới thiệu đặc sản U Minh như: Mật ong, muối kiến vàng, rượu ủ ngâm từ nguyên liệu dược thảo tại chỗ.

Do vậy, từ cơ sở sản xuất tinh dầu Khánh Lập, người nông dân quanh vùng lại có thêm nguồn thu mới từ việc bán lá tràm, cây sả nguyên liệu. Trong định hướng tương lai, anh Lập mong muốn xây dựng khu du lịch sinh thái khai thác lợi thế từ rừng tràm.

Ông Phan Tấn Thanh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau cho hay, để mở rộng sản xuất thì anh Lập cần có quy trình sản xuất chuẩn, đảm bảo chất lượng và tính đến vấn đề thị trường. Khi các yếu tố đó đáp ứng thì anh có thể liên hệ cơ quan chức năng hướng dẫn làm dự án khởi nghiệp, để được hỗ trợ tốt hơn.